Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn từ một đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn từ một đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.
Trước tình hình đó, sau một thời gian ở lại Liên Xô để nghiên cứu chế độ xô-viết và kinh nghiệm xây dựng đảng theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về gần Việt Nam để xúc tiến việc chuẩn bị thành lập Đảng. Ngày 11/11/1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc).
Việc đầu tiên của Người là bắt mối liên lạc với Tâm tâm xã và tổ chức yêu nước của cụ Phan Bội Châu đang hoạt động ở Quảng Châu.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chọn số thanh niên yêu nước trong các tổ chức cách mạng nói trên và một số thanh niên khác ở trong nước ra, mở Trường Huấn luyện chính trị để đào tạo họ trở thành những cán bộ cách mạng và đưa họ trở về nước hoạt động trong giai cấp công nhân và nhân dân ta. Trường mở được l0 khóa, mỗi khóa từ 1,5- 3 tháng, tổng số học viên có khoảng 200 người.
Mặc dù việc mở trường gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, nhưng Người vẫn dành dụm từng đồng, ra sức đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt đầu tiên cho cách mạng Việt Nam; trong đó có những người tiêu biểu như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự...
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách trường, vừa là giảng viên chính, có khi kiêm cả cán bộ phiên dịch. Phương pháp giảng dạy của Người là lý luận liên hệ với thực tế, học kết hợp với hành làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Ngoài học tập lý luận và chính trị, các học viên còn được học thêm văn hóa và ngoại ngữ.
Việc đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở Trường Huấn luyện chính trị có ý nghĩa rất to lớn. Người đã đào tạo cho cách mạng Việt Nam những lớp cán bộ đầu tiên đi theo đường lối chủ nghĩa Mác- Lênin và góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập Đảng ta.
Để làm cơ sở cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội; trong đó có hạt nhân lãnh đạo là Cộng sản đoàn, để bồi dưỡng và phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc của những người yêu nước trong giai cấp công nhân, nông dân và tiểu tư sản trí thức, kết hợp với việc giáo dục cho họ về chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhằm đào tạo họ thành những người cộng sản Việt Nam.
Vào cuối mùa thu năm 1929, được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, Người đã triệu tập Hội nghị Đại biểu các tổ chức cộng sản để thống nhất tổ chức, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với sứ mệnh lịch sử nặng nề, đồng chí Nguyễn Ái Quốc phải suy nghĩ và giải quyết hàng loạt vấn đề nóng bỏng và phức tạp trong quá trình chuẩn bị thống nhất Đảng: làm thế nào xóa bỏ những bất đồng giữa các nhóm cộng sản, để đi tới thống nhất các nhóm đó trong một tổ chức duy nhất?
Tên Đảng nên đặt như thế nào cho đúng với tính chất đảng của giai cấp công nhân và các nhóm có thể chấp nhận làm sao hoàn thành cho kịp các bản Cương lĩnh, Sách lược Điều lệ của Đảng- Đó là những văn kiện cơ bản của Hội nghị hợp nhất.
Vấn đề bảo đảm bí mật cho hội nghị cũng được Người rất quan tâm. Tất cả những vấn đề trên được tiến hành thận trọng, bí mật và khẩn trương để kịp khai mạc hội nghị.
Dưới sự chủ tọa của Người, hội nghị đã họp từ ngày 3- 7/2/1930, trong căn phòng nhỏ của một người công nhân ở Cửu Long, gần Hong Kong.
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương trong hoàn cảnh bí mật, hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một đảng cộng sản chân chính duy nhất ở Việt Nam lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Về tên Đảng, các đại biểu được Người giải thích:
Hội nghị đã thông qua các văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng và của một số tổ chức quần chúng cùng Lời kêu gọi... do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thảo ra.
Chính cương vắn tắt vạch rõ: Cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền (nay gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Nhiệm vụ của nó là đánh đuổi đế quốc Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, thành lập chính phủ công nông binh, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân và tổ chức ra quân đội công nông...
Về Đảng, Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt nói rằng: Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng. Đảng chủ trương đoàn kết với phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, và liên hệ mật thiết với giai cấp công nhân quốc tế, nhất là giai cấp công nhân Pháp.
Chính cương và Sách lược vắn tắt của Đảng đáp ứng đúng nguyện vọng thiết tha của giai cấp công nhân và nhân dân nước ta. Vì vậy, Đảng là đoàn kết được các lực lượng yêu nước và dân chủ xung quanh giai cấp công nhân và nắm được quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Điều lệ tóm tắt của Đảng đã nêu rõ mục đích của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo cho quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu, để tiêu diệt tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”.
Nhân dịp thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Lời kêu gọi, gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên học sinh và đồng bào bị áp bức bóc lột: Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập.
Đó là đảng của giai cấp công nhân. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng để đấu tranh cho quyền lợi của toàn thể nhân dân bị áp bức bóc lột. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải gia nhập Đảng, chúng ta phải giúp đỡ Đảng và đi theo Đảng!...”
Lời kêu gọi là một văn kiện quan trọng đã phân tích đầy đủ và đúng đắn tình hình thế giới, tình hình Việt Nam và nêu lên đường lối, mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Lời kêu gọi có tác động cổ vũ rất lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta.
Hội nghị thành lập Đảng có tầm quan trọng như một đại hội của Đảng, vì nó đã đề ra đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam và những nguyên tắc về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng ta là một tất yếu lịch sử, do những điều kiện trong nước và thế giới lúc ấy quyết định, đồng thời là kết quả rực rỡ của cả một quá trình hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc- người ái quốc, người đấu tranh kiên cường trong phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, kiên trì học tập tìm tòi nghiên cứu và rèn luyện.
Đó là kết quả to lớn của gần 10 năm chuẩn bị rất công phu và đầy đủ của Người về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Sau này, đánh giá việc thành lập Đảng, Người đã viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
T.H (tóm lược từ “Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp”, NXB Sự thật, 1987)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin