Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện trọng đại cách đây đúng 3/4 thế kỷ.
Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện trọng đại cách đây đúng 3/4 thế kỷ.
Ngày 22/12/1944, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến chĩ do “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ (Ảnh: Quang Trung) |
Phát triển từ một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ trở thành một quân đội hùng mạnh, 75 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Cùng dân tộc đi qua các cuộc chiến tranh
75 năm qua, “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”. Những em bé, “khi còn trong nôi, nghe mẹ ru, cha đánh giặc cuối trời”. Những người mẹ “3 lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Lịch sử Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến tranh. Chiến đấu, chiến thắng và hy sinh gian khổ đã tôi luyện nên một Quân đội anh hùng.
Những người mẹ bịn rịn tiễn con lên đường đi kháng chiến. Ảnh tư liệu |
Giành được độc lập đã khó, giữ được độc lập càng khó hơn. Sau Cách mạng tháng Tám long trời lở đất năm 1945, Quân đội tiếp tục trở thành lực lượng chủ lực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). 9 năm anh dũng chiến đấu, những chiến sỹ can trường của đội quân anh hùng đã lập nên những chiến công hiển hách, kết thúc bằng Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.”
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc được giải phóng nhưng một nửa đất nước vẫn còn nằm dưới gót giày của quân xâm lược và tay sai. Quân đội ta lại cùng với toàn dân tộc bước vào một cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, non sông thu về một mối.
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. (Ảnh tư liệu) |
Đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào xây dựng CNXH, Quân đội ta vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm tháng hào hùng ấy, Quân đội ta đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, chịu nhiều hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo diễn ra gay gắt, các thế lực phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng nước ta như hiện nay đặt ra yêu cầu phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp toàn diện, đồng bộ, trong đó xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Chiến sĩ hải quân trong Lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Quang Trung |
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 75 năm thành lập QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết: Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng là sự kế thừa, phát triển tư tưởng truyền thống giữ nước của cha ông cha ta. Đồng thời cũng thể hiện tư duy mới của Đảng về phương thức, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó chính là việc chủ động phòng ngừa, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi đất nước còn chưa nguy.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, công tác Đảng, công tác chính trị chính là biện pháp trực tiếp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị nói chung, nhân tố chính trị, tinh thần nói riêng, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, làm cho quân đội luôn trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, bảo đảm cho quân đội ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, quân đội phải gắn bó với nhân dân, tiếp tục duy trì phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ thời kỳ đổi mới. Đó chính là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Lực lượng cảnh sát biển trong Lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Quang Trung |
“Trong 75 năm qua, một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng chúng ta phải giữ gìn là: Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong quân đội. Ngay cả đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân khi ra đời năm 1944, bên cạnh người chỉ huy đã có người cán bộ chính trị, thành lập tổ chức Đảng và đã hình thành sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Đến bây giờ, cơ chế đó ngày càng hoàn thiện. Có thể nói ở đâu có hoạt động của quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là cội nguồn, là sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”- Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định.
Xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ
Chủ trương xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước lên hiện đại, ưu tiên một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo cho quân đội từng bước được trang bị hiện đại. Trước mắt là xây dựng lực lượng Hải quân, Phòng không Không quân, Trinh sát điện tử, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại. Đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Chiến sĩ phòng không tham gia Lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Quang Trung |
Bên cạnh đó, những năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh.
Theo đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam tích cực, chủ động, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động đối ngoại quốc phòng như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng, các hội nghị đối thoại, diễn đàn về an ninh khu vực và quốc tế, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Tuy tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia để có sự ủng hộ quốc tế, không bị bao vây, cô lập song Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định Việt Nam "không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", "không tham gia liên minh quân sự" vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt thù.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Bộ Quốc phòng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. (Ảnh: Trọng Phú) |
Khi công bố Sách trắng Quốc phòng 2019, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Việt Nam không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, pháp lý quốc tế. Lịch sử chiến tranh của Việt Nam đã khẳng định, chỉ khi có chính nghĩa chúng ta mới giành được thắng lợi, mà muốn có chính nghĩa thì phải giữ cho được độc lập, tự chủ”.
Trước tình hình an ninh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tác động to lớn đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam, Sách trắng Quốc phòng thể hiện quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ của Đảng, Nhà nước Việt Nam; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây là chiến lược quốc phòng trong thời bình, khi đất nước có nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước sẽ phải hoạch định những chiến lược phù hợp với tình hình thời chiến./.
Theo Trọng Phú - Thanh Hà/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin