Đề án vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm để xếp lương

05:11, 08/11/2019

Ngày 7/11/2019, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Ngày 7/11/2019, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Đối với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các đại biểu chất vấn và đề nghị bộ có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan.

Ngoài ra, đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu và nâng cao hiệu quả đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại, nhập siêu, xuất siêu đối với các đối tác thương mại lớn.

Trả lời về những mục tiêu để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và những khâu đột phá, Bộ trưởng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ tập trung cho các ngành công nghiệp cơ bản và các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo hay các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy móc, thiết bị, ngành công nghiệp ô tô...

Đới với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu chất vấn việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trả lời vấn đề chủ trương nhập, tách của các cơ quan hành chính, Bộ trưởng cho rằng hiện đang sắp xếp đối với cơ quan bên trong của cấp sở; Trung ương tạm dừng sáp nhập các sở và chỉ chọn 20% đơn vị hành chính cấp tỉnh đã làm thí điểm và thời gian thí điểm từ nay cho đến năm 2021 sẽ có tổng kết.

Về tinh giản biên chế, Chính phủ không quy định cào bằng mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và bộ ngành quản lý. Theo Bộ trưởng, đến năm 2021 khả năng chúng ta thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi.

Về Đề án vị trí việc làm, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì xây dựng chức danh tương đương để thực hiện theo cơ chế tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo chức vụ lãnh đạo quản lý.

Đề án vị trí việc làm lần này chia làm 4 nhóm: nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý; nhóm chuyên môn nghiệp vụ; nhóm chuyên môn nghiệp vụ dùng chung (văn phòng, thanh tra, kế toán); nhóm phục vụ.

Và sau khi đề án hoàn thành, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và làm cơ sở cho năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương năm 2021.

TÂM THI 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh