Phải sửa luật để xử lý hành vi sử dụng súng tự chế

10:11, 14/11/2019

Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và cung cụ hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hiện nay.

Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và cung cụ hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hiện nay.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên thảo luận
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu về dự thảo Luật này, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu nhìn nhận, công tác quản lý vũ khí quân dụng là hết sức chặt chẽ, tuy nhiên nhu cầu sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng bạo lực là không hề giảm. Vũ khí do nhà nước sản xuất không có thì bọn tội phạm sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án.

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đại biểu cho rằng, đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng đa phần các đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng đều có nhân thân rất xấu. Các loại vũ khí đối tượng thường hay sử dụng như súng bắn đạn hoa cải, súng hố xoáy, súng bút, súng tự chế, các loại vũ khí quân dụng cưa nòng, cưa báng dùng làm biến dạng vũ khí quân dụng có tính sát thương rất cao, khi thực hiện các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc xử lý hình sự về các hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng là hết sức cần thiết, là chính sách hình sự nhất quán từ trước đến nay ở nước ta.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự tán thành cao vì sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, đó là hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vụ như vũ khí quân dụng. Đồng thời, bảo đảm được tính đồng bộ và tương quan trong hệ thống pháp luật hình sự hiện hành.

Tham gia thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chánh án TAND Tối cao, Nguyễn Hòa Bình cho rằng, theo luật hiện hành có nhiều vụ sử dụng súng hoa cải, súng săn, các đối tượng bắn chết người hoặc gây thương tích như vũ khí quân dụng thì không xử được ở các địa phương vì Bộ Luật hình sự 2015.

Chánh án TANDTC phân tích, trước đây chúng ta quy định người nào sử dụng vũ khí quân dụng có tính năng tương tự là bị cấm, nhưng trong lần sửa đổi này thì bỏ vũ khí có tính năng tương tự đi, cho nên chỉ có vũ khí quân dụng mới được xem là tội phạm. Từ quy định như vậy, rất nhiều địa phương gửi văn bản xin ý kiến của chúng tôi là những vụ sử dụng súng hoa cải, súng săn hay là cácsúng khác người ta cũng bắn chết người, cũng gây thương tích như vũ khí quân dụng thì bây giờ không xử được ở các địa phương.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng sửa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nhiều thuận lợi, không làm thay đổi chính sách hình sự. Hơn nữa, với quy trình rút gọn thông qua dự án Luật trong một kỳ họp cũng sẽ đáp ứng yêu cầu sớm áp dụng luật để cơ quan tố tụng xử lý vụ việc.

Theo ông Long, sau khi rà soát lại toàn bộ nội dung của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì việc sửa đổi, bổ sung chỉ áp dụng đối với khoản 2 và khoản 6 Điều 3 mà không ảnh hưởng tới, các điều khoản khác của luật. “Xét một cách đầy đủ, toàn diện về các khía cạnh chính trị, pháp lý, sự ổn định về kinh tế - xã hội, mức độ khó thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như Chính phủ trình là phù hợp trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp góp ý.

Giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cho biết trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tượng tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu. Các loại vũ khí đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải…) có tính sát thương cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại cho các đối tượng này sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.

“Không loại trừ các đối tượng phản động sẽ lợi dụng sơ hở của pháp luật để tiến hành chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng để hoạt động lật đổ chính quyền, khủng bố, gây bạo loạn vũ trang, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước. Do đó, việc sửa Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp, thống nhất với Bộ luật Hình sự”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh

Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh