"Đánh giá cán bộ kiểu gì mà đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Trong khi đó xã hội cho rằng, chỉ có 30% cán bộ làm được việc".
“Đánh giá cán bộ kiểu gì mà đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Trong khi đó xã hội cho rằng, chỉ có 30% cán bộ làm được việc".
Chiều 7/11, trong phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn nhắc đến con số 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nếu con số này là chính xác thì đây là một điều rất đáng mừng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không. Nếu không đúng, nguyên nhân xuất phát từ quy định đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã có báo cáo đánh giá của hơn 40 tỉnh và các bộ ngành.
Theo đó, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%, mức hoàn thành tốt khoảng 67,3%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế khoảng 6,3% và không hoàn thành 0,63%. Viên chức cũng có tỷ lệ tương ứng như vậy.
Là tư lệnh ngành Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh "đánh giá này chưa chính xác". Theo ông, nguyên nhân do địa phương chưa xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện đánh giá mức độ hoàn thành công việc phân công cho cán bộ, công chức nên "đánh giá còn chung chung, còn nể nang, cảm tính".
“Bộ Nội vụ kiểm tra công việc hàng tháng, có ghi chép nhiệm vụ Bộ trưởng giao cho chuyên viên việc gì, hoàn thành ngày nào. Chúng tôi có bản công khai là trong ngày hôm nay, trong tháng này, Vụ nào còn nợ bao nhiêu, ai nợ vấn đề gì để cuối năm có căn cứ trừ điểm thi đua.
Như vậy thì mới biết được mức độ hoàn thành công việc thế nào. Tức là giao việc thì phải có kiểm tra, giám sát” – ông Tân nói.
Theo Bộ trưởng, thực hiện các quy chế quy định của cơ quan, người lãnh đạo chấm công, chấm điểm, thực hiện thái độ về công vụ, công chức của cơ quan trong việc xử lý công việc, có chậm trễ hay không, có hoàn thành được nhiệm vụ hay không.
Trong thời gian qua, ít nơi xây dựng được tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Hơn nữa, do còn sự nể nang nên ít lãnh đạo nào tự nhận hoàn thành tốt hay hoàn thành nhiệm vụ.
“Hơn 10 năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên, chưa có bản tự kiểm điểm nào tôi đánh giá tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả. Nhưng anh em nói, nếu Chủ tịch, Bí thư, Bộ trưởng không hoàn thành thì chúng em làm gì hoàn thành xuất sắc được.
Như vậy thì áy náy quá vì đơn vị mình không hoàn thành xuất sắc mà người đứng đầu hoàn thành xuất sắc” – ông Tân nói và nhấn mạnh đây là tâm trạng chung, còn sự nể nang.
Ông Tân cho hay, tới đây Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế quy định hiện tại theo hướng "đánh giá ngang, dọc, đa chiều, bằng chất lượng cụ thể". Với từng đơn vị, địa phương, ông cho rằng cần phải xây dựng tiêu chí đánh giá, phải chấn chỉnh cho nghiêm túc.
“Đánh giá cán bộ gì mà đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Trong khi đó xã hội cho rằng chỉ có 30% cán bộ làm được việc mà tại sao không thấy người để tinh giản biên chế” – ông Tân đặt câu hỏi./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin