Chuyên gia Singapore: Cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua các thách thức

10:11, 07/11/2019

Ngày 4/11 vừa qua, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Thái Lan.

Ngày 4/11 vừa qua, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Thái Lan.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Singapore đã có cuộc phỏng vấn ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), về cơ hội, thách thức và vai trò của Việt Nam trong thời gian đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Ông Choi Shing Kwok cho rằng tình hình địa chính trị của khu vực Đông Nam Á hiện nay rất dễ bị thay đổi do sự tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù đã có dấu hiệu tốt khi hai bên tới đây có thể đạt được thỏa thuận về thương mại, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ mất đi, mà ngược lại nó sẽ vẫn tiếp diễn và tác động mạnh mẽ, buộc Đông Nam Á phải có hướng đi mới trong giai đoạn này.

Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng đang đặt ra khiến ASEAN phải quan tâm như Indonesia vừa mới thành lập chính phủ mới, Malaysia chuẩn bị chuyển giao lãnh đạo và Myanmar sẽ tiến hành bầu cử…

Trong bối cảnh đó, việc đảm nhiệm cương trị Chủ tịch luân phiên chính là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN đối phó và vượt qua các thách thức. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhấn mạnh hiện nay chính là thời điểm để tất cả các quốc gia và cộng đồng thế giới quan tâm đến khu vực Đông Nam Á.

Thứ nhất, đây là khu vực ổn định trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc. Thứ hai, Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Do đó, năm 2020 tới đây sẽ là thời điểm để Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt ASEAN phát triển bằng những chính sách do mình đề ra.

Đơn cử như việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiện nay chỉ còn Ấn Độ chưa đồng ý, trong khi 15 nước tham gia đàm phán còn lại đã đều nhất trí cho một hiệp định thương mại tự do có tổng giá trị tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới.

Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN và các nước thành viên khác của RCEP cùng nhau nỗ lực thuyết phục Ấn Độ gia nhập hiệp định càng sớm càng tốt.

Một vấn đề nữa vừa là cơ hội, song cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN tới đây khi các nước cùng thúc đẩy đàm phán xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Đề cập đến nội dung tăng cường sự đoàn kết và tiếp tục củng cố vững chắc vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực, ông Choi Shing Kwok cho rằng có hai phương diện chính cần quan tâm như sau.

Thứ nhất, Việt Nam có thể đề ra phương hướng chiến lược cho ASEAN trên cơ sở nghiên cứu và xem xét mọi vấn đề liên quan một cách phù hợp.

Với vai trò lãnh đạo của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra các ý tưởng, xây dựng kế hoạch và mang lại động lực cho các nước ASEAN trong việc đối phó với các thách thức và tình huống khó khăn mà họ gặp phải.

Thêm vào đó, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nên Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trên phạm vi toàn cầu, đồng thời giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò ngoại giao tích cực để nâng cao vị thế của ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên, Việt Nam sẽ phải nỗ lực vận động tất cả các quốc gia thành viên cùng tham gia bảo vệ và duy trì lợi ích tại khu vực.

Ông Choi Shing Kwok tin rằng Việt Nam có khả năng làm được việc đó và điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy và hiện thực hóa chương trình nghị sự của đề ra cho năm Chủ tịch ASEAN.

Theo chuyên gia Singapore, không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam còn có trách nhiệm thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hiệp hội với các nước đối tác và đối thoại.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh