Đóng góp trong phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014- 2018, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công đề nghị, Bộ Công an cần có cơ chế đặc thù cho việc tuyển chọn công dân, đào tạo chuyên môn về công tác chữa cháy để có một đội ngũ chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong lực lượng.
Đóng góp trong phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014- 2018, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công đề nghị, Bộ Công an cần có cơ chế đặc thù cho việc tuyển chọn công dân, đào tạo chuyên môn về công tác chữa cháy để có một đội ngũ chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong lực lượng.
Theo đại biểu, hiện nay các chiến sĩ chữa cháy phần lớn là lính thực hiện nghĩa vụ quân sự, chỉ được tập huấn thời gian ngắn nên kỹ năng, kinh nghiệm chưa nhiều trong xử lý các tình huống chữa cháy. Hết nghĩa vụ các em ra quân, chúng ta lại bổ sung lực lượng mới, cứ thế nên không có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, có kinh nghiệm phán đoán, xử lý tốt mọi tình huống khi có sự cố cháy xảy ra. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc đánh giá hiệu quả chữa cháy trong thời gian qua chưa cao.
Ngoài ra, việc đầu tư trong PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Phương tiện phục vụ cho công tác PCCC thiếu, lạc hậu, kém hiệu quả. Phần lớn chữa cháy bằng các phương tiện thủ công, dùng sức người là chính, chưa ứng dụng được các phương tiện hiện đại nên hiệu quả ngăn lửa, dập lửa chưa cao, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của các chiến sĩ trực tiếp làm công tác PCCC.
Từ thực tiễn trên, đề nghị Bộ Công an tham mưu với Chính phủ có kế hoạch đầu tư sớm nhất trang thiết bị, ứng dụng các phương tiện khoa học công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của nước ta hiện nay trong công tác PCCC. Việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải thực hiện cho được vấn đề này, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân do các vụ cháy gây ra.
Song song đó, các chiến sĩ làm nhiệm vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn được xem là một nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, nhưng hiện nay chế độ chính sách cho lực lượng này quá ít, quá thấp. Ngoài lương thì các chiến sĩ này không được hưởng phụ cấp, chỉ có tiền ăn khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Đề nghị cần có một chế độ tôn vinh, khen thưởng đặc biệt đối với lực lượng làm công tác chữa cháy. Thời gian qua, chúng ta đã thấy có rất nhiều chiến sĩ đã sẵn sàng đương đầu với giặc lửa, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu người, cứu tài sản của nhân dân. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương tật suốt đời. Những hành động dũng cảm này phải được cả xã hội ghi nhận, tri ân và tôn vinh.
Một vấn đề nữa, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi Thông tư 39 năm 2015 về việc phân công trách nhiệm quan hệ phối hợp trong điều tra, xử lý vụ cháy nổ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, cụ thể là việc tham gia tố tụng của lực lượng cảnh sát PCCC tại các địa phương. Bổ sung chức danh điều tra viên cho các chiến sĩ làm công tác điều tra, xử lý trong lực lượng cảnh sát PCCC, cứu hộ, cứu nạn để lực lượng này có đủ điều kiện, đủ tư cách pháp nhân trong tham gia điều tra các vi phạm về PCCC.
Sau khi thông qua Nghị quyết giám sát, đề nghị Bộ Công an tiến hành một đợt kiểm tra toàn diện, rà soát, kiện toàn lại toàn bộ hệ thống làm công tác PCCC thuộc quyền quản lý của Bộ Công an. Mở một đợt kiểm tra rộng khắp trong toàn xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong PCCC, xử phạt nghiêm những vi phạm để đi đến hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của người dân.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin