Nhân dân Lào luôn ghi nhớ sự hy sinh, giúp đỡ của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào và gọi họ là "bộ đội nhà Phật".
Nhân dân Lào luôn ghi nhớ sự hy sinh, giúp đỡ của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào và gọi họ là “bộ đội nhà Phật”.
Các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ảnh tư liệu |
“Giúp bạn cũng chính là tự giúp mình”
70 năm về trước (ngày 30/10/1949), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện.
Việc xác định danh nghĩa quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào; đồng thời tạo cơ sở quan trọng để tăng cường quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội hai nước Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng, quyết định mang tính lịch sử nói trên của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương là nhằm phục vụ yêu cầu khách quan của lịch sử, đó là cả hai nước cần phải dựa vào nhau để có thể chống lại các thế lực xâm lược lớn như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trước đó, mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đến tháng 10/1930 thì đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, có trách nhiệm lãnh đạo cách mạng 3 nước Đông Dương. Việc xây dựng Đảng để lãnh đạo phong trào được tiến hành ngay từ cuối năm 1930. Đến năm 1934, Đảng bộ Ai Lao đã được thành lập gồm 16 người, sau này đều đóng vai trò then chốt trong việc lãnh đạo cuộc cách mạng Lào khi tách ra thành Đảng riêng.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc |
Đến cuối năm 1945, sau khi Việt Nam và Lào đều giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Hoàng thân Lào Shouphanouvong tại Hà Nội để bàn việc Liên minh Việt - Lào trong tương lai nhằm chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt - Lào.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam vào ngày 23/9/1945, phong trào kháng chiến lan sang cả Campuchia và Lào. Đến năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cử lực lượng sang giúp nhân dân Lào kháng chiến. Đảng Cộng sản Đông Dương tuy đã tuyên bố tự giải tán nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật và vẫn lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến của cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Như vậy, có thể nói, sau năm 1945, một thời kỳ mới đã được mở ra và khối liên kết giữa Việt Nam, Lào và Campuchia ngày càng gắn bó hơn. Đến ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định cử các lực lượng quân đội Việt Nam sang chiến đấu ở Lào. Quân tình nguyện cùng với lực lượng kháng chiến ở Lào đã phối hợp chiến đấu và đến ngày 1/11/1949, đã thành lập Ban Công tác Lào trực thuộc Trung ương Đảng.
“Sau này, trong các trận chiến lớn trên chiến trường Lào và Việt Nam như chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Xuân-Hè 72, Cánh đồng Chum Xiengkhuang đều có sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội Việt Nam và Lào. Đó như một quy luật khách quan không thể khác, giúp mang lại thắng lợi cho cách mạng của 2 nước.
Từ sau năm 1975, khi 2 nước giành được độc lập, thống nhất, mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển, trên cả 3 trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa. Đặc biệt trên mặt trận quốc phòng-an ninh, giữ gìn, bảo vệ thành quả cách mạng của 2 nước, tạo tiền đề, điều kiện giúp đỡ lẫn nhau đúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn cũng chính là giúp mình”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định.
“Bộ đội nhà Phật” trong lòng nhân dân Lào
Từng là chuyên viên cao cấp tham gia lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào trong gần 40 năm, ông Nguyễn Văn Nghiệp nhớ lại, quán triệt lời dạy của Bác Hồ là “giúp bạn cũng chính là giúp mình”, các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, kết hợp giữa tinh thần yêu nước nồng nàn và tinh thần quốc tế vô sản chân chính trong thực hiện nhiệm vụ giúp cách mạng Lào.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, chuyên gia cao cấp tham gia lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. |
“Các chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng Lào, nhiều người từ tuổi mười tám đôi mươi cho đến lúc về hưu. Thậm chí có người về hưu rồi, bạn gọi sang giúp đỡ lại lên đường. Ta sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ điều gì cách mạng Lào cần”, ông Nghiệp chia sẻ.
Cũng theo ông Nghiệp, quân tình nguyện không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân làm công tác dân vận khéo và giỏi. Chính điều này đã tạo cơ sở thuận lợi cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây cũng như để xây dựng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong suốt mấy chục năm qua.
Ngày 19/8/1948, ông cùng các chiến sĩ tình nguyện, chuyên gia Việt Nam xuất quân từ Quân khu 5 sang Lào. Trong buổi lễ xuất quân, bác Phạm Văn Đồng đã căn dặn ông và các chiến sĩ tình nguyện: “Các đồng chí phải tổ chức vận động được nhân dân Lào đứng dậy kháng chiến thì mới thắng được giặc Pháp xâm lược. Các đồng chí phải nhớ lời của Bác Hồ, khi sang Lào thì phải coi núi, sông, cây cỏ, ruộng đồng của Lào như quê hương mình, và phải tôn trọng, thương yêu nhân dân Lào như đồng bào mình”.
Do khi mới sang, không biết tiếng nói, phong tục tập quán và tình hình địa phương, các chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phải chia thành từng tổ 3-3 đi sâu vào dân, bám dân với phương châm “bắt mối, xâu chuỗi và tìm nòng cốt” để từ đó phát triển cơ sở, xây dựng đoàn thể quần chúng, dân quân du kích, chính quyền phục vụ cách mạng.
Để bám dân tại các vùng dân tộc thiểu số, các chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thậm chí còn phải đóng khố, cởi trần, để tóc dài, phơi nắng cho da đen để có thể gần gũi người dân địa phương liên tục trong 4 năm liền.
Những gian khổ và hy sinh của các chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp tạo dựng niềm tin và tình cảm thân thương mà chính quyền và nhân dân Lào dành cho họ. Chính quyền và nhân dân Lào sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, “cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất, cùng chiến đấu” với chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.
“Nhiều anh em chúng tôi được nhân dân Lào nhận làm con nuôi, em nuôi, đặt cho những tên Lào vừa thân thương, vừa dễ nhớ. Các bô lão Lào đã gọi chúng tôi là “Bộ đội Cụ Hồ đúng là Bộ đội của nhà Phật. Điều đó đã tạo nên liên minh vững chắc giữa 2 dân tộc, đảm bảo thành công cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay”, ông Nghiệp nói.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. |
Để phát huy mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam – Lào trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, bên cạnh những thành tựu hợp tác về chính trị, ngoại giao và an ninh quốc phòng, hai nước cần thúc đẩy kết nối 2 nền kinh tế, giáo dục, nhất là giáo dục về nền tảng truyền thống trong mối quan hệ giữa 2 nước.
Bà Nguyễn Phương Nga lưu ý, Việt Nam và Lào cần xử lý tốt những vấn đề nhạy cảm có thể phát sinh trong bối cảnh tình hình thế giới có rất nhiều phức tạp, phong trào Dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên và nhiều thế lực đang tìm mọi cách chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam-Lào. Chính vì thế, việc đẩy mạnh tuyên truyền về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước là hết sức quan trọng và cần thiết./.
Theo Trần Khánh/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin