Ngày 25/10/2019, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện thêm Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ngày 25/10/2019, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện thêm Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định UBND cấp xã gồm chủ tịch, phó chủ tịch và hai ủy viên là trưởng công an và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, và thường phân công đồng chí phó chủ tịch UBND ký xác nhận hồ sơ chứng thực và nhiều việc khác.
Do chỉ có 1 phó chủ tịch và phó chủ tịch cũng thường phải đi họp, giải quyết công việc ở cơ sở, nên có hiện tượng khá phổ biến hiện nay là công dân khi đến UBND làm việc buộc phải thực hiện cơ chế một cửa, hai lần đến, vì không có người có thẩm quyền ký xác nhận ở cơ quan.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào luật quy định tăng thêm một ủy viên UBND là vị trí công chức tư pháp, hộ tịch xã, phường, thị trấn, người thường xuyên làm việc tại trụ sở khi người dân đến liên hệ thì công chức này thay mặt UBND ký và trả ngay hồ sơ cho người dân.
Việc tăng thêm một ủy viên UBND cấp xã như thế này đơn thuần là vấn đề kỹ thuật tổ chức, không làm tăng thêm biên chế mà chỉ có nâng cao ngay lập tức hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã, tạo thuận lợi cho người dân mục tiêu mà nền công vụ của chúng ta đang phải phấn đấu. Trong trường hợp luật sửa đổi có tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND thì vị trí này cũng vẫn cần thiết.
Ngoài ra, đề nghị xem xét để đảm bảo sự thống nhất giữa các luật. Trước hết, phải xác định Luật Tổ chức chính quyền địa phương là luật gốc, luật duy nhất quy định về tổ chức bộ máy HĐND, UBND, các luật khác có quy định thì phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND bầu chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND. Điều 114 Hiến pháp quy định UBND cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu.
Tuy nhiên, Điều 20 Luật Dân quân tự vệ lại quy định chỉ huy trưởng là ủy viên UBND cấp xã. Nếu luật chuyên ngành nào cũng quy định can thiệp vào công tác tổ chức trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì sẽ phá vỡ quy định của luật này, đây cũng là nguyên tắc trong xây dựng pháp luật của chúng ta.
Hiện nay, Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi Luật Dân quân tự vệ, nếu chưa phù hợp thì cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp, bỏ quy định chỉ huy trưởng là thành viên UBND cấp xã vì quy định này đã được nêu trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Vấn đề tiếp theo, khác với các đại biểu Quốc hội chuyên trách đến tuổi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc đến hết nhiệm kỳ, đại biểu HĐND chuyên trách đến tuổi nghỉ hưu là nghỉ, kể cả phó chủ tịch HĐND, trưởng và phó các ban của HĐND đều thực hiện quy định này.
Khi công chức nhận quyết định nghỉ hưu thì phải làm thêm thủ tục miễn nhiệm chức danh, nhưng thời điểm nhận quyết định nghỉ hưu lại chưa đến kỳ họp thường lệ của HĐND, do đó trong khoảng thời gian này đại biểu có làm việc hay không.
Việc miễn nhiệm chức danh cũng rất hình thức, bởi đại biểu chuyên trách thì phải có cả hai yếu tố: dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của HĐND và hưởng lương từ ngân sách của HĐND. Do vậy, đề nghị trong luật cũng cần quy định thêm là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách mà nghỉ hưu thì thôi giữ chức vụ kể từ ngày quyết định nghỉ hưu có hiệu lực.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin