Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp chiều 28/10/2019. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Sau hơn ba năm thi hành, Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có quy định về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; Bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tiếp theo, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Việc ban hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Trong công tác phòng chống tội phạm, đây là những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự.
Chính vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm kịp thời khắc phục những bất cập này.
Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đồng thời lưu ý một số vấn đề cần tiếp tục giải trình, làm rõ. Cụ thể là quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực, trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển; về việc bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực làm thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực; bổ sung các quy định về thị thực điện tử bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, thống nhất, tránh quy định trùng hoặc bỏ trống nội dung về thị thực điện tử…
Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin