Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đến nay, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới GD- ĐT đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ngày càng cao.
Trong đợt giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- đã đánh giá: Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đến nay, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới GD- ĐT đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ngày càng cao.
Chất lượng GD- ĐT có tiến bộ; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phát triển về số lượng và chất lượng; quy mô trường lớp, cơ sở vật chất từng bước được hiện đại hóa…
Chất lượng GD-ĐT ngày càng được nâng lên. |
Tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng
Theo ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh, kết quả đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT đã đạt được những ưu điểm nổi bật, như hệ thống các trường mầm non, phổ thông được chuẩn hóa. Quy mô trường lớp tiếp tục phát triển, đảm bảo nhu cầu đến lớp của học sinh.
Cơ sở vật chất, thiết bị GD- ĐT đảm bảo nhu cầu đến lớp của học sinh và từng bước được hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng hàng năm. Tính đến 31/5/2019, có 232/422 trường mầm non, phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành có trên 15.578 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên biên chế đạt chuẩn chiếm 99,91%; trên chuẩn là 73,32%... Công tác xây dựng Đảng trong trường học cũng được chú trọng. Đến nay, tỷ lệ đảng viên đạt 52,7% tăng 12,79% so với năm 2013.
Bên cạnh, việc đổi mới mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại dẫn đến chất lượng GD- ĐT có tiến bộ, trình độ dân trí được nâng lên. Cụ thể, tỷ lệ duy trì sĩ số các cấp đạt trên 98,39%; chất lượng giáo dục các bậc học tỷ lệ học sinh xếp loại khá, tốt tăng; tỷ lệ tốt nghiệp THCS, THPT duy trì ở mức khá tốt…
Cùng với đó, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng được quan tâm chỉ đạo. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được duy trì vững chắc. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được thực hiện với lộ trình cụ thể.
Năm 2016, tỉnh được Bộ GD- ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Việc xây dựng xã hội học tập đạt kết quả khá tốt. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi. Công tác nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh đạt được một số kết quả nhất định…
“Nhìn chung, qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, giáo dục tỉnh nhà đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD- ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt học tốt, quản lý tốt. Qua đó, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo, sống tốt và làm việc hiệu quả”- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh cho biết.
Tiếp tục đổi mới toàn diện GD- ĐT
Bên cạnh những kết quả, ngành giáo dục cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế như công tác quản lý GD- ĐT ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhất là về thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dạy học một số nơi còn thiếu và lạc hậu. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tuy có nâng lên nhưng chất lượng giáo dục ở một số đơn vị chưa xứng tầm…
Theo ông Đỗ Phi Sơn- Trưởng Phòng GD- ĐT huyện Mang Thít, tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu, chưa đồng bộ ở các cấp học. Đặc biệt là toàn huyện thiếu gần 20 giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách cũng chưa tương xứng với công sức, thời gian mà giáo viên mầm non đã bỏ ra. Ông đề xuất: cần xem xét chính sách tiền lương để các cô an tâm công tác.
Còn theo ông Huỳnh Thành Nghiệp- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Tam Bình, công tác phân luồng học sinh sau THCS đã đem lại kết quả ban đầu, tuy nhiên người dân vẫn còn tư tưởng thi rớt hay học yếu thì mới cho con vào học hệ này.
Chính vì thế, số lượng phân nguồn còn ít, chất lượng đầu vào các lớp văn hóa rất thấp, nhiều học sinh ý thức học tập rất kém nên có nhiều em bỏ học. Bên cạnh đó, một số trang thiết bị phục vụ học tập tại trung tâm chưa phát huy hiệu quả do thiếu giáo viên hữu cơ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh- Phó Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh) thì băn khoăn về tình trạng một bộ phận học sinh vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Hiện nay bên cạnh những em ứng xử có văn hóa, thân thiện vẫn còn không ít học sinh sống “vô cảm”, không biết giúp đỡ, yêu thương bạn bè, có khi còn sa đà vào các tệ nạn xã hội.
Vì thế, “ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Theo đó, quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống lồng ghép vào các hoạt động của trường, của lớp.
Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi là sân chơi lành mạnh, tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh”- Phó Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh) đề xuất.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Đạo lưu ý ngành giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về đầu tư, quan tâm, chăm lo phát triển GD- ĐT.
Chú trọng làm tốt công tác xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên vững mạnh về tư tưởng, đủ phẩm chất nhà giáo, có ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo chuyên môn đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
Song song đó, tích cực thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở GD- ĐT, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện huy động nguồn lực xã hội, xã hội hóa nhằm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin