Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, được xã hội đón nhận tích cực.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, được xã hội đón nhận tích cực. Quy định đã có, điều cần làm bây giờ là các cơ quan liên quan phải vào cuộc thực hiện quyết liệt để Quy định đi vào cuộc sống.
Ảnh minh họa |
Nhận diện chạy chức, chạy quyền
Có thể thấy, càng gần đến ngày đại hội đảng các cấp, câu chuyện về nhân sự lại nóng lên hơn bao giờ hết; mọi người bàn tán râm ran, từ bàn trà đến quán nhậu, ở đâu cũng “tranh thủ” bàn luận.
Họ bình luận, đánh giá, so sánh, thậm chí tranh cãi gay gắt về khả năng anh này anh kia làm bí thư, chủ tịch, cấp ủy…, cứ như thể họ đang làm công tác cán bộ thật, và đang “hết lòng” vì nước vì dân. Cứ như vậy, có thể nói cuộc tranh luận còn “dài dài” không có hồi kết.
Còn một số người trong cuộc được quy hoạch, đề cử thì lo lắng, thấp thỏm đứng ngồi không yên và tự nhủ không biết đại biểu có bỏ phiếu bầu cho mình không và mình có trúng cử không?
Và rồi tự đặt câu hỏi tự trả lời, để không mất lòng mọi người, tốt nhất là im lặng “làm việc nhỏ bỏ việc lớn” “án binh bất động” bởi họ cho rằng lúc này là rất “nhạy cảm”, điều hành công việc quyết đáp việc này việc kia là “đụng chạm”, mà đụng chạm là gây thù ghét mất phiếu bầu.
Do đó, có câu chuyện vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; đầu nhiệm kỳ nắm bắt tình hình làm từ từ, giữa nhiệm kỳ thì cố gắng một chút, cuối nhiệm kỳ có làm thì mức độ để còn có phiếu tiến cử.
Có trường hợp còn nghĩ rằng mình phải vận động “hành lang”, nếu cứ ngồi im chờ đợi là chức, quyền đi “toi”, do đó cần phải tiếp xúc với những người có quyền lực để được lưu ý, giúp đỡ, và trong những cuộc tiếp xúc ấy chính là sự mặc cả, đánh đổi bằng vật chất phong bì, dự án, đất đai… để chạy chức, chạy quyền.
Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
Để làm rõ vấn đề này, Quy định 205 nhấn mạnh, hành vi chạy chức, chạy quyền đó là, tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.
Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Cũng trong Quy định này, Bộ Chính trị nêu rõ 8 hành vi bao che, tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền là: biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình…
Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng. Tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu trên. Các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Có thể nói, Quy định 205 của Bộ Chính trị ra đời đã góp phần giải tỏa những suy nghĩ đánh giá cảm tính, chủ quan, tùy tiện của nhiều người về công tác cán bộ, đồng thời giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất trong công tác cán bộ tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ.
Trị bệnh chạy chức, chạy quyền
Quy định 205 mang tính thời sự, kịp thời vì những thiếu sót, thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng đã đến độ khá trầm trọng, Đảng đã nghiêm khắc chỉ ra từ nhiều đại hội trước nhưng đến lần này thì Đảng thấy cần phải có thêm những “liều thuốc” mạnh hơn để ngăn chặn, trị căn bệnh chạy chức, chạy quyền.
Đảng đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, tự phê bình và phê bình, dũng cảm chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, chỉ ra sự thật để ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố và tạo niềm tin trong nhân dân.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, tình trạng chạy chức, chạy quyền có phần tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn khác nhau, biểu hiện ngày càng phức tạp, khó nhận biết.
Biến tướng của lợi ích vật chất, từ chiếc phong bì, lô đất…và mọi toan tính được che chắn trước, sau khó nhận diện được, ví dụ như tội hối lộ ở rất nhiều vụ án không đưa ra được chứng cứ tội đưa và nhận hối lộ, bỏ lọt nhiều tội phạm loại này.
Việc điều tra vụ AVG vừa qua các quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông phạm tội đưa và nhận hối lộ là hy hữu.
Nhưng đây là bài học quan trọng để Đảng ta làm tốt hơn, kiên quyết hơn và không có vùng cấm tìm ra kẻ hối lộ và nhận hối lộ trong công tác cán bộ, làm trong sạch Đảng.
Chống chạy chức, chạy quyền có hiệu quả cần phải công khai, minh bạch công tác cán bộ, công khai danh tính cũng như chương trình hành động của người ứng cử để nhân dân và đảng viên tham gia giám sát. Nên công khai các tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.
Người làm công tác tổ chức cán bộ phải thực sự có tâm trong sáng, dân chủ, khách quan, minh bạch, chịu sự giám sát của các đảng viên, của nhân dân, cơ quan thông tin truyền thông đối với công tác cán bộ. Qua đó phát hiện ngay từ đầu vấn đề chạy chức, chạy quyền của cán bộ để xử lý.
Câu chuyện về công tác cán bộ xin được nhắc lại là trường hợp của Trịnh Xuân Thanh vẫn còn “nóng”, đã tận dụng mối quan hệ quen biết để thăng tiến, “chạy” hết chỗ này đến chỗ khác từ Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội, hay những cán bộ được thăng tiến “thần tốc”, quan bố, quan con, chồng quy hoạch vợ… trong một thời gian ngắn là vì công tác cán bộ không công khai, minh bạch, có nể nang, né tránh và phải nói thẳng là có sự tha hóa, biến chất của những người làm công tác cán bộ.
Để giám sát có hiệu quả công tác cán bộ, trong Quy định 205, Bộ Chính trị đã yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý; giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định.
Đồng thời cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Vừa qua hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, đơn vị có thể là giải pháp tốt cho việc chống chạy chức, chạy quyền và cần được tổng kết đánh giá.
Khắc phục những hạn chế của việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo thời gian qua, nay cần phải minh bạch các cuộc thi tuyển này bằng cách thông qua truyền hình trực tiếp cuộc thi để nhân dân có thể giám sát và thậm chí có thể đặt câu hỏi cho các ứng viên.
Đồng thời cần cụ thể hóa Quy định này thành luật nhằm giáo dục, ngăn ngừa và răn đe những cán bộ cố tình không thực hiện Quy định.
Thực tế việc chạy chức, chạy quyền ở chế độ xã hội, đất nước nào cũng có, tùy theo mức độ nhiều, ít khác nhau.
Nếu một quốc gia mà tính dân chủ, công khai, minh bạch của xã hội được đề cao, tất cả các hành vi, ứng xử của con người trong xã hội ấy bị điều chỉnh rất chặt chẽ trong các đạo luật thì sẽ hạn chế nạn chạy chức, chạy quyền.
Khi hành vi của cán bộ bị ràng buộc và quy định rất cụ thể, có chế tài xử lý mạnh ở trong luật thì cán bộ đó sẽ phải cân nhắc suy nghĩ rất kỹ về hậu quả khi thực hiện hành vi của mình.
Vì vậy, từ Quy định của Đảng, chúng ta cần cụ thể hóa các hành vi, biểu hiện chạy chức, chạy quyền vào các quy định cụ thể của các luật.
Mỗi hành vi được quy định tương ứng với một chế tài xử lý hành chính hoặc hình sự thì việc xử lý sẽ hiệu quả hơn, làm cho cán bộ không thể chạy, không dám chạy, không muốn chạy, không cần chạy./
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin