Việt Nam tham dự Hội thảo về chính sách hướng Đông của Nga

08:09, 04/09/2019

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam và Nga hiện nay có nhiều điểm tương đồng, đều chú trọng phát triển công nghệ, nâng cao hàm lượng tri thức của nền kinh tế...

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam và Nga hiện nay có nhiều điểm tương đồng, đều chú trọng phát triển công nghệ, nâng cao hàm lượng tri thức của nền kinh tế...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (ở giữa) tham dự Hội thảo. (Ảnh: Dương Trí/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (ở giữa) tham dự Hội thảo. (Ảnh: Dương Trí/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã tham dự Hội thảo về đề tài “Tấm gương châu Á: bước chuyển của Nga sang hướng Đông qua góc nhìn của các đối tác châu Á” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 5 tại thành phố Vladivostok.

Tham dự Hội thảo còn có Phó Thủ tướng kiêm Đại diện toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga tại vùng Viễn Đông Yuri Trutnev và lãnh đạo một số tổ chức, viện nghiên cứu của Singapore, Hàn Quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã chia sẻ góc nhìn của Việt Nam về tiềm năng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính sách hướng Đông của Nga, những thuận lợi và khó khăn trong hợp tác song phương Việt-Nga và nêu ra một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Liên bang Nga là quốc gia có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và kinh tế thế giới, là cường quốc Á-Âu với phần lãnh thổ châu Á rộng lớn.

Chính sách hướng Đông với trọng tâm thúc đẩy hội nhập kinh tế, khuyến khích các nước ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu thể hiện nỗ lực của Nga tăng cường tự do thương mại, là định hướng đúng đắn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Nga, đồng thời phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam và Nga hiện nay có nhiều điểm tương đồng, đều chú trọng phát triển công nghệ, nâng cao hàm lượng tri thức của nền kinh tế, thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chất lượng cao.

Thời gian qua, Việt Nam và Nga đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác kinh tế trên hai trụ cột là dầu khí - năng lượng và thương mại.

Các liên doanh như Vietsovpetro, Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom, Tập đoàn Rosnetf… hoạt động hiệu quả trên thềm lục địa và lãnh thổ của Việt Nam và Nga.

Một trong những đột phá quan trọng tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước là việc triển khai FTA Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu.

Sau khi ký FTA được ký kết vào năm 2015, kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch hai chiều lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng hai bên cần coi năng lượng - dầu khí là lĩnh vực vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính chiến lược lâu dài, cần triển khai hợp tác hiệu quả tại các dự án hiện có cũng như xem xét khả năng mở rộng hợp tác trong các dự án mới.

Riêng đối với khu vực Viễn Đông, Việt Nam sẵn sàng cung cấp lao động chất lượng cao, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, hàng tiêu dùng.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng bày tỏ tin tưởng, với việc đẩy mạnh đầu tư nguồn lực để triển khai chính sách tại châu Á-Thái Bình Dương, Nga và các đối tác sẽ cùng nhau đạt được nhiều kết quả thiết thực, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, ông Andrey Bystritsky, Chủ tịch Câu lạc bộ Quốc tế Valdai (trụ sở tại Nga) cho biết Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách hướng Đông của Nga, một chính sách mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tuy nhiên, Nga và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để tạo bước đột phá trong quan hệ song phương sao cho tương xứng với tiềm năng của hai bên./.

Theo Hồng Quân (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh