74 năm sau Ngày Độc lập (2/9/1945), uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh và được thế giới ghi nhận.
74 năm sau Ngày Độc lập (2/9/1945), uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh và được thế giới ghi nhận.
Khát vọng vươn ra thế giới
Ngay trong những tháng ngày đất nước còn chiến tranh, chưa được thống nhất, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế đã được thể hiện rất rõ. Người khẳng định: “Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 18/1/1946. Tài liệu: Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ. |
Tôn chỉ này được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện thực hóa thành hành động khi ngày 18/1/1946 Người đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, trong đó nêu rõ: “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28/10/1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”.
Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”. Dù không được phía Hoa Kỳ hồi đáp nhưng bức thư “định mệnh” này đã thể hiện rõ khát vọng vươn ra thế giới thông qua con đường ngoại giao chính thức của một quốc gia mới giành được độc lập.
Dù sau đó vẫn liên tiếp phải trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng như phải đối mặt với các lệnh bao vây, cấm vận, với tinh thần chân thành, cởi mở và phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới” và “Việt Nam không bao giờ liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại nước thứ ba, không đi với nước này để chống nước kia”, vai trò và vị thế của Việt Nam đã dần được cải thiện và nâng cao đáng kể trong những năm gần đây.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trở thành Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đoàn Việt Nam vui mừng sau khi kết quả kiểm phiếu bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được công bố. |
Vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế khác ngày càng được coi trọng. Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) và đảm nhận thành công rất nhiều trọng trách đa phương như chủ nhà APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai (2019) đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đất nước.
Điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu
Không chỉ tạo dựng được vị thế vững vàng về chính trị và ngoại giao, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể khiến cả thế giới phải “ngỡ ngàng”. Từ chỗ nền kinh tế chìm trong nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân ta phải sống trong cảnh đói nghèo cả về vật chất và tinh thần với 90% dân số mù chữ vào thời điểm giành độc lập, đến nay, Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” về xóa mù chữ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm Quốc khách nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. |
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, diễn ra tối 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, mở rộng hội nhập quốc tế trở thành một nền kinh tế phát triển năng động, một điểm liên kết kinh tế, kết nối đa chiều trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế, đóng góp ngày càng chủ động, có trách nhiệm, tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viện dẫn những số liệu hết sức tích cực trong 2 năm 2018-2019 để minh chứng cho tuyên bố nói trên, theo đó, dù còn những tồn tại, những tác động của nhiều diễn biến quốc tế không thuận, thiên tai, hạn hán khốc liệt, GDP năm 2018 của Việt Nam vẫn tăng cao ở mức 7,08% và ước tính tăng từ 6,7-7% năm 2019, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Tính đến tháng 8/2019, số vốn FDI đăng ký đã đạt mức kỷ lục gần 355 tỷ USD với 29.550 dự án từ 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2019 đạt khoảng trên 350 tỷ USD, tăng 8,3%, trong đó xuất siêu đạt từ 3,5-4 tỷ USD. Đã có 9,8 triệu lượt khách quốc tế đến thăm Việt Nam, tăng gần 8%.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhờ những thành tựu đột phá về kinh tế, đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi đều được chăm lo, nâng lên rõ rệt; đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thế giới cũng đã có những đánh giá tích cực hơn về Việt Nam. Báo cáo ngày 19/8/2019 của tổ chức Moody’s đã xếp hạng triển vọng “ổn định” cho hệ thống ngân hàng Việt Nam và Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế “tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á” cho đến năm 2020.
Kinh tế Việt Nam liên tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua. |
Có thể nói, những điểm sáng về chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội mà Việt Nam đạt được sau 74 năm giành được độc lập đã củng cố vững chắc vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, tiếp sức cho Việt Nam vững vàng bước vào năm 2020 với nhiều thách thức hơn nữa khi cùng lúc đảm nhiệm 2 trọng trách quan trọng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN. Đây là niềm tự hào của khát vọng dân tộc, song cũng là trách nhiệm lớn lao mà cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó cho Việt Nam./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin