Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Quốc hội với báo chí

08:08, 08/08/2019

Báo chí và Quốc hội luôn có mối quan hệ mật thiết, trong đó báo chí giữ vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin từ Quốc hội tới người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân...

Báo chí và Quốc hội luôn có mối quan hệ mật thiết, trong đó báo chí giữ vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin từ Quốc hội tới người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân...

 

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội.”

Khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, cán bộ Văn phòng Quốc hội, các cơ quan báo chí trao đổi về vai trò của truyền thông, cách thức tiếp cận với báo chí và xử lý sự cố truyền thông đối với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Hội thảo cung cấp thông tin, kiến thức, kinh nghiệm của Quốc hội Nhật Bản trong việc sử dụng công cụ báo chí phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội; qua đó tăng cường năng lực của cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội trong việc tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo về lĩnh vực thông tin, báo chí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng, trong lịch sử hình thành, phát triển của Quốc hội, báo chí và Quốc hội luôn có mối quan hệ mật thiết, trong đó báo chí giữ vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin từ Quốc hội tới người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tới diễn đàn Quốc hội.

Chính vì vậy, Quốc hội các nước nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng luôn quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền; đồng thời thông qua phương tiện truyền thông làm công cụ hỗ trợ đắc lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; từ đó góp phần xây dựng quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri; nâng cao vị thế, hình ảnh của Quốc hội trong lòng công chúng.

“Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Trong thành công đó có phần đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí,” ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức thông tin báo chí vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến; cần có cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội trong việc bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.

Đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới về các mặt hoạt động của Quốc hội đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, cũng đòi hỏi các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, luôn trau dồi, tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên nghị trường; đồng thời cần quan tâm tập huấn, tăng cường kỹ năng cho đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động tiếp xúc với báo chí; góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, tự tin giữa đại biểu Quốc hội với báo chí.

Bà Iwama Nozomi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, cho biết Hội thảo nhằm mục đích giúp hai bên chia sẻ ý kiến làm thế nào nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ truyền thông đặc biệt là mạng xã hội, nâng cao hiệu quả điều hành của Quốc hội; từ đó đưa ra thông tin tham khảo đối với Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tại Việt Nam, tốc độ phổ biến Internet đang diễn ra nhanh chóng; mạng xã hội được sử dụng nhiều trong giới trẻ để thu thập thông tin và trao đổi ý kiến. Chính vì thế, việc tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của Quốc hội trên mạng xã hội là rất quan trọng.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá trong các kỳ họp Quốc hội, thông tin báo chí luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Phát ngôn của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội được người dân, cử tri quan tâm, theo dõi, được phân tích, tranh luận trên từng góc độ khác nhau.

Không chỉ thông tin từ phiên họp chính thức, những trao đổi bên hành làng kỳ họp về các vấn đề nóng của đất nước, được dư luận quan tâm cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Báo chí trách nhiệm, sắc nét, đại biểu chuẩn mực, công tâm, chia sẻ, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá, có tình trạng đại biểu Quốc hội ngại tiếp xúc, né tránh, không sẵn sàng tương tác với báo chí. Phân tích các nguyên nhân, một số đại biểu cho rằng đó là do đại biểu Quốc hội không có quan điểm rõ ràng, thiếu kỹ năng. Trong khi đó, về phía báo chí phản ánh chưa khách quan, truyền tải không hết ý kiến, tâm tư của đại biểu Quốc hội.

Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào hoạt động truyền thông mạng xã hội của đại biểu quốc hội; vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn Truyền thông Lê, Giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương của mạng lưới marketing và quảng cáo độc lập toàn cầu, chỉ ra rằng trung bình, mỗi người bỏ ra 5,9 giờ để sử dụng các thiết bị điện tử, đồng thời mỗi ngày chạm vào các thiết bị này trung bình 2617 lần.

Nhấn mạnh đến tác động tích cực của mạng xã hội là kết nối mọi người, nhà báo Lê Quốc Vinh cũng đưa ra những lời khuyên đối với các đại biểu Quốc hội khi sử dụng mạng xã hội. Theo đó, cần phải đảm bảo an toàn. Nếu sử dụng cần có bảo vệ an toàn 2 lớp, bảo vệ bằng “tích xanh” để đảm bảo không ai có thể giả mạo mình.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội phải hiểu rõ đối tượng trao đổi và đưa thông điệp phù hợp; thận trọng khi đăng tải và chia sẻ thông tin, đảm bảo thông tin chính xác. Đại biểu Quốc hội cũng nên hạn chế đăng tải thông tin cá nhân bởi đại biểu Quốc hội không phải là người sử dụng mạng xã hội thông thường, mà là người đại diện cho tiếng nói của người dân. Nhà báo Lê Quốc Vinh cũng lưu ý, các đại biểu không nên bình luận những điều còn tranh luận trên nghị trường.

Ông Kuboya Masayoshi, giảng viên của trường Đại học Tokai, Nhật Bản, cho rằng các nghị sỹ nên khai thác tính tương tác của mạng Internet. Điều quan trọng là đánh giá phản ứng của dư luận đối với thông tin truyền tải.

Cụ thể, có những nội dung cần được xử lý bằng tài khoản chính thức của nghị sỹ và cũng có những nội dung cần được xử lý bằng các tài khoản không phải tài khoản chính thức.

Tài khoản chính thức của nghị sỹ chỉ nên sử dụng đưa ra các diễn đạt tích cực, còn các tài khoản của người ủng hộ có thể đăng các bài tuyên truyền. Các nghị sỹ cũng có thể sử dụng mạng xã hội tách biệt để phân loại. Chẳng hạn, Twitter có giới hạn số chữ đăng bài thì chỉ dùng để báo cáo hoạt động còn Facebook không giới hạn số chữ thì có thể đăng các nội dung về chính sách./.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh