Nâng cao trình độ tiếng Anh để đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế

02:08, 16/08/2019

TP HCM cần phải xác định giáo dục theo hướng xem cơ sở đào tạo, sinh viên, doanh nghiệp là khách hàng, từ đó có cơ chế đặt hàng.

TP HCM cần phải xác định giáo dục theo hướng xem cơ sở đào tạo, sinh viên, doanh nghiệp là khách hàng, từ đó có cơ chế đặt hàng.

Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá nhằm đưa TP phát triển nhanh, bền vững.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn thiện Nhân tại hội thảo đào tạo nhân lực quốc tế.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn thiện Nhân tại hội thảo đào tạo nhân lực quốc tế.

Đội ngũ các giảng viên, giáo viên, chuyên gia và học sinh, sinh viên lên đến hơn 2,1 triệu người là nguồn lực to lớn để TP HCM có thể phát triển vượt bật trong tương lai, đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, hiện nay dù có nhiều cố gắng nhưng TP vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là số sinh viên giỏi tiếng Anh– ngôn ngữ toàn cầu, vẫn còn chưa cao so với kỳ vọng.

Để phát triển nhân lực có trình độ quốc tế, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải xác định nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy để phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, TP HCM cần phải xác định giáo dục theo hướng thị trường, tức là xem cơ sở đào tạo, sinh viên, doanh nghiệp là khách hàng, từ đó có cơ chế đặt hàng. Ngoài ra, cần phải quốc tế hóa giáo dục, có chính sách quốc gia và quy định của TP về giáo dục, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và đào tạo. TP cần mở rộng hơn cơ sở vật chất, không gian học thuật, thu hút chuyên gia, sinh viên quốc tế đến học tập và đưa chuyên gia, sinh viên trong nước ra đào tạo ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong tiến trình trên, vấn đề mấu chốt để tiếp cận các phương pháp giáo dục đào tạo tiên tiến của thế giới vẫn là trình độ ngoại ngữ mà cụ thể là tiếng Anh. Đây vẫn là điểm yếu cố hữu của sinh viên Việt Nam nói chung, trong đó có học sinh sinh viên tại TP HCM, dù TP là địa phương đi đầu trong việc phổ cập và nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên. 

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, hiện nay các trường thuộc Đại học Quốc gia đang tổ chức đào tạo 50 chương trình chất lượng cao, trong đó có 18 chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh và sinh viên phải rất nỗ lực mới có thể theo được: “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh bởi việc hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế thì tiếng Anh là then chốt. Chúng tôi đưa ra bởi có vẻ lúc vào đại học các bạn sinh viên có vẻ hơi chậm. Cho nên chúng tôi mong chương trình đào tạo tiếng Anh nên bắt đầu sớm từ bậc phổ thông”.

Đại học Việt – Đức hiện có gần 2.500 sinh viên và học viên được đào tạo theo chương trình tiên tiến của Đức, học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh và thêm cả tiếng Đức.

Theo Tiến sỹ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, dù chất lượng dạy tiếng Anh của các trường Đại học tại TP HCM cao so với mặt bằng chung của cả nước và đã được cải thiện trong thời gian vừa qua nhưng rõ ràng, tiếng Anh vẫn đang là rào cản. Vì thế, muốn quốc tế hóa giáo dục, chuẩn hóa các chương trình đào tạo đạt tầm quốc tế thì cần thiết phải tạo ra một lớp học sinh, sinh viên mới thành thạo tiếng Anh. Tiến sỹ Hà Thúc Viên nêu quan điểm: “Chúng ta phải làm ngay từ giờ không thể chậm hơn bởi vì tiếng Anh và hội nhập có mối quan hệ hữu cơ. Chúng tôi muốn nói đến quốc tế hóa hệ thống giáo dục, nâng tầm chất lượng đào tạo trình độ quốc tế thì tiếng Anh là công cụ quan trọng trong chiến lược để chúng ta hành động và cụ thể hóa về đào tạo”.

Ông Alan Malcolm, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Pearson cho rằng, TPHCM nếu muốn thu hút các tập đoàn, công ty nước ngoài đến với mình thì nhất thiết phải đào tạo đội ngũ nhân sự tại chỗ không chỉ giỏi chuyên môn mà phải thành thạo tiếng Anh. Muốn thế, TP phải có chương trình tiếng Anh chuẩn mực, không xem tiếng Anh là một môn học mà phải xem nó là công cụ để tiếp cận với tri thức thế giới. Ông Alan Malcolm nói: “Từ lâu chúng ta xem tiếng Anh là một môn học nhưng đã đến lúc xem tiếng Anh là công cụ để học các môn khác. Tiếng Anh có thể dùng để để học tập giống như các quốc gia khác. Việc sử dụng tiếng Anh có thể sử dụng hằng ngay trong công việc”.

Xu hướng quốc tế là nhu cầu nhân lực đại học ngày càng tăng, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi mạnh mẽ, nhiều nghề mới ra đời nên đòi hỏi việc đào tạo là phải học tập suốt đời. Hiện nay đang là thời kỳ cách mạng số nên cần học tập suốt đời thông minh. Lợi thế của Việt Nam là lực lượng lao động còn dồi dào như TP HCM cứ 5 năm có thêm 1 triệu dân, trong đó có nửa triệu lao động.         

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong tương lai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP nên có một Hội đồng tư vấn về đào tạo nhân lực chất lượng cao do Chủ tịch UBND TP làm chủ tịch hội đồng. Từ đó thay đổi nhận thức, xem tiếng Anh là công cụ để tiếp cận tri thức như các chuyên gia trong và ngoài nước đề cập.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Phát triển mạnh mẽ hợp tác công tư theo từng nhóm chuyên đề, nhà trường có nhu cầu lĩnh vực nào thì tham gia nhóm đó. Chúng tôi tạm hình dung nhóm thứ nhất là nâng cao trình độ tiếng Anh, không thể chậm được. Tùy trường đánh giá nếu mạnh thì tăng tốc ít mà yếu thì làm nhiều”.

Có thế nói, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế của TPHCM là quyết tâm rất lớn. Tuy nhiên, nếu không giải quyết ngay điểm yếu về trình độ ngoại ngữ, ở đây cụ thể là tiếng Anh thì sẽ rất khó để TP đạt được các mục tiêu đã đề ra./.

Theo Hà Khánh/VOV-TP HCM

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh