Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Vĩnh Long đã có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời đại mới.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Vĩnh Long đã có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời đại mới.
Hoạt động văn hóa văn nghệ được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. |
Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân trong tỉnh Vĩnh Long được nâng lên, làm chuyển biến cơ bản đời sống văn hóa trong mỗi gia đình.
Giai đoạn 2014- 2019, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa của tỉnh đạt bình quân gần 94%. Đến nay, toàn tỉnh có 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 phường- thị trấn được công nhận đô thị văn minh và một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Văn Săn cho biết, các thiết chế văn hóa được tỉnh quan tâm đầu tư, nhiều di tích được tôn tạo.
Trên địa bàn tỉnh có trên 700 di tích, 40 loại hình lễ hội; có 29 làng nghề, nghề truyền thống được công nhận. Tỉnh cũng điều tra toàn diện, nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử, văn hóa phi vật thể, các loại hình văn nghệ cổ truyền, văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn.
Mặt khác, Vĩnh Long cũng quan tâm, chú trọng đầu tư và tạo điều kiện để xây dựng, phát triển con người một cách toàn diện. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, toàn tỉnh hiện có 46 tiến sĩ, gần 3.000 thạc sĩ; gần 3.700 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo trình độ trung cấp và cao cấp lý luận chính trị; hơn 40% cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Việc xây dựng con người, văn hóa được gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, ngành giáo dục đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa của học sinh- sinh viên.
Các cơ quan báo chí và truyền thông trong tỉnh cũng phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức; kịp thời thông tin các nhiệm vụ chính trị cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị- xã hội của tỉnh.
Theo ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Vĩnh Long tập trung xây dựng con người phát triển toàn diện về thể lực và trí lực, từng bước đúc kết, xây dựng hệ giá trị chung của người Vĩnh Long thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các mô hình văn hóa cơ sở.
Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý hoạt động lễ hội được đảm bảo chặt chẽ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp, gắn với hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Vĩnh Long.
Hiện nay, tỉnh có khoảng 40 loại hình lễ hội, hàng năm tổ chức khoảng 1.300 lễ gắn với các di tích trên địa bàn.
Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Bùi Văn Nghiêm yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của nghị quyết;
nhấn mạnh cần xây dựng con người văn hóa, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác định hướng, giáo dục phải gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường.
Xây dựng con người là nhiệm vụ rất quan trọng của Nghị quyết số 33 và bắt đầu từ việc ươm mầm tri thức cho thế hệ trẻ. |
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cần đi vào chiều sâu, thiết thực, có sức lan tỏa hơn, nhằm nuôi dưỡng, phát triển nhân cách, đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Qua chặng đường 5 năm thực hiện nghị quyết trên địa bàn tỉnh, thành tựu đạt được khá to lớn, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm yêu cầu tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thông qua việc nâng chất các phong trào, các cuộc vận động. Từ đó, tạo chuyển biến về nếp sống, cung cách ứng xử, việc chấp hành pháp luật,... trong từng cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư, từng cơ quan, đơn vị tỉnh đến cơ sở.
Mặt khác, cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đối ngoại; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá các loại hình văn hóa nghệ thuật.
Sự chung sức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần đưa Nghị quyết 33- một nghị quyết quan trọng về xây dựng và phát triển văn hóa thấm sâu hơn nữa vào cuộc sống, để văn hóa phát huy tốt vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo sức mạnh đưa sự nghiệp cách mạng của tỉnh Vĩnh Long có những bước tiến mới trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long: Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình văn học nghệ thuật phát triển Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND luôn quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình văn học nghệ thuật phát triển; đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm phát huy năng lực, tiềm năng sáng tạo để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Hiện tỉnh đã thành lập 6 phân hội với trên 210 hội viên. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long- Nguyễn Thụy Yến Phương: Bạn trẻ ý thức tốt khi tham gia mạng xã hội Trước đây, nhiều bạn trẻ khi tham gia mạng xã hội thường chỉ chia sẻ, bình luận về giới nghệ sĩ, những điều “nóng”. Hiện nay, ý thức của các bạn trẻ đã tốt hơn. Nhiều bạn chủ động tham gia vào nhóm tuyên truyền về quê hương, góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, xây dựng nền tảng văn hóa tốt đẹp trong đời sống cộng đồng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin