UBND tỉnh vừa ban hành đề án tổng thể việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất ấp- khóm- khu (gọi chung là ấp) của các xã- phường- thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo tinh thần của đề án này, tới đây các ấp không đủ điều kiện theo quy định sẽ được sáp nhập. Dự kiến, thời gian triển khai từ quý II và kết thúc vào quý IV/2019.
Hợp lý về diện tích, dân số mỗi ấp tạo thuận lợi cho công tác quản lý của địa phương. |
UBND tỉnh vừa ban hành đề án tổng thể việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất ấp- khóm- khu (gọi chung là ấp) của các xã- phường- thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo tinh thần của đề án này, tới đây các ấp không đủ điều kiện theo quy định sẽ được sáp nhập. Dự kiến, thời gian triển khai từ quý II và kết thúc vào quý IV/2019.
Quy mô các ấp không đồng đều
Ấp không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã- phường- thị trấn.
Cộng đồng dân cư trong ấp có sự đồng nhất về phong tục, tập quán, tình cảm gia đình dòng họ, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đây còn là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Các ấp trong tỉnh hình thành do lịch sử địa phương để lại, tổ chức ổn định và số lượng ít biến động. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh tăng thêm 1 khóm do thực hiện đề án thành lập TX Bình Minh, quy hoạch đô thị.
Hiện, toàn tỉnh có 847 ấp (gồm 81 khóm và 766 ấp), trong đó số ấp có quy mô hộ gia đình dưới 175 hộ (dưới 50% vì theo quy định là 350 hộ) là 68/766 chiếm 8,88%; số khóm có quy mô hộ gia đình dưới 200 hộ (dưới 50% vì theo quy định là 400 hộ) là 10/81 khóm.
Theo thống kê, hiện số ấp có nhiều hộ nhất là 1.647 hộ (thuộc ấp Phú Tường, xã Song Phú- Tam Bình) và ấp ít hộ nhất là 38 hộ (thuộc ấp An Phước, xã Tân An Thạnh- Bình Tân); khóm có nhiều hộ nhất là 1.723 hộ (Khóm 2, Phường 3-TP Vĩnh Long), khóm ít hộ nhất là 99 hộ (Khu 9, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn).
Tuy nhiên, các ấp trong tỉnh có quy mô không đồng đều, chưa bảo đảm các tiêu chí hiện hành, đường giao thông, thông tin liên lạc khó khăn, quy hoạch sử dụng đất kém hiệu quả.
Song song đó, việc huy động tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế xã hội, hệ thống phúc lợi công cộng rất khó khăn. Chưa kể đang có xu hướng tăng dần về số lượng, kinh phí chi trả phụ cấp cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở ấp.
Theo thống kê, tổng kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động ấp và các tổ chức đoàn thể là 12.373.000 đ/tháng; 148.476.000 đ/năm (tính mức lương cơ sở là 1.390.000đ).
Sự cần thiết phải sáp nhập
Từ thực trạng trên, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, đặc biệt là chủ trương tinh gọn để giảm biên chế, chi phí hành chính, rất cần thiết phải sáp nhập các ấp có quy mô số hộ gia đình thấp hơn quy định hiện hành (quy định ấp phải có từ 175 hộ gia đình, khóm phải có từ 200 hộ gia đình trở lên).
Theo đó, mục tiêu của đề án hướng tới là tổ chức ấp theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở ấp. Song song đó, huy động các nguồn lực, đóng góp xây dựng xã hội, nâng cao chất lượng, hoạt động, trình độ và tăng mức thu nhập cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Việc sáp nhập các ấp nhằm thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. |
Theo đó, việc sáp nhập các ấp dựa trên điều kiện có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, địa hình không bị chia cắt ảnh hưởng đến giao thông đi lại, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân; tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo… để thành lập ấp mới có quy mô phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn tại các địa phương. Việc sáp nhập ấp mới có quy mô tổng số hộ gia đình trên 350 hộ và sáp nhập các ấp có tổng số hộ dưới 175 hộ.
Đối với khóm, sẽ sáp nhập khóm mới có tổng số hộ trên 400 hộ và sáp nhập các khóm có tổng số hộ dưới 200 hộ. Đề án cũng lưu ý, không thực hiện sáp nhập đối với ấp có thành phần dân cư, có sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo… khác biệt lớn, địa hình chia cắt, khoảng cách quá xa.
Dự kiến, sau khi sáp nhập số lượng ấp giảm 78/847 (chiếm 9,21%), toàn tỉnh còn 769 ấp. Sau sáp nhập, kinh phí chi trả phụ cấp giảm khoảng 965 triệu đồng/tháng; 11,58 tỷ đồng/năm, tương đương được giảm 9,21%. Ngoài ra, việc sáp nhập còn tạo thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cấp xã đối với ấp và nhân dân.
Căn cứ đề án này, UBND huyện giao UBND xã xây dựng và thực hiện đề án sáp nhập. Đề án sáp nhập chỉ được thực hiện khi có trên 50% số cử tri trong khu vực dự hội nghị lấy ý kiến do xã tổ chức tán thành. Trường hợp lần đầu chưa đạt, sau 10 ngày UBND xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân lần 2. Nếu lần 2 chưa đạt thì UBND xã báo cáo về huyện, UBND huyện báo cáo về UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện theo từng trường hợp sáp nhập cụ thể. Đối với những người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do bố trí, sắp xếp lại sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 95 của HĐND tỉnh kể từ khi quyết định sáp nhập ấp có hiệu lực. Việc sáp nhập ấp đồng thời thực hiện sáp nhập các tổ chức Đảng, chính quyền, ban công tác MTTQ, các đoàn thể đảm bảo mỗi ấp chỉ có 1 tổ chức theo quy định. |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin