Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam

05:06, 21/06/2019

Có những ý kiến về việc mạng xã hội đã qua đi thời khắc đỉnh cao và đang chững lại. Có những đánh giá lạc quan rằng người dùng mạng xã hội đang dần trở nên sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trang bị bộ lọc tốt hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn sau khi bị tin giả lừa đảo nhiều lần. 

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

[links()]

3. Có những ý kiến về việc mạng xã hội đã qua đi thời khắc đỉnh cao và đang chững lại. Có những đánh giá lạc quan rằng người dùng mạng xã hội đang dần trở nên sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trang bị bộ lọc tốt hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn sau khi bị tin giả lừa đảo nhiều lần.

Nhưng trong thực tế, có thể khẳng định, truyền thông xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các “yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam”.

Mạng xã hội không khác gì con dao 2 lưỡi.Ảnh: Internet
Mạng xã hội không khác gì con dao 2 lưỡi.Ảnh: Internet

Bài học từ những cuộc “cách mạng màu” cho thấy không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội để tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau.

Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả.

Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm: “không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,... chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ”.

Xác định rõ, đây là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh đối với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sai trái.

Do đó, phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác tình hình; chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng (trend) tiêu cực trên mạng xã hội.

Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội.

Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ.

Hai là, khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Thời gian qua, những thay đổi chóng mặt về thuật toán của các nền tảng công nghệ “làm khó” cả về nhận thức và hành động khiến các cơ quan chức năng vốn đã chậm trễ, hạn chế trong quản lý không gian mạng lại càng lúng túng, bất cập, chưa theo kịp trong việc hoạch định chính sách, pháp luật đối với truyền thông xã hội.

Để quản lý tốt, cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội... thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, khi các ràng buộc pháp lý không cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh thì các quy tắc đạo đức, văn hóa cũng rất khó để đi vào cuộc sống.

Kiên trì vấn đề có tính nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam.

Yêu cầu các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân thủ các quy định khi vào Việt Nam như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời bóc gỡ những trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ triệt để các tài khoản đưa thông tin sai sự thật,...

Cần coi trọng hơn các biện pháp kinh tế, yêu cầu trách nhiệm của những doanh nghiệp phải tương xứng với lợi ích mà họ được hưởng.

Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội...

Ba là, phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số.

Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Vì vậy, phải khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh luật cũng như các văn bản dưới luật để hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý cho hoạt động báo chí.

Xác định rõ tiêu chí đối với từng loại hình thông tin điện tử- nhất là báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; có quy định để điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ chuyên cung cấp thông tin báo chí.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo chí, trong đầu tư nền tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí.

Thực hiện ngay quy hoạch báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp phép lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong thời gian qua đã buông lỏng quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.

Bốn là, thúc đẩy các giải pháp công nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của Internet, mạng xã hội. Khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển, khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội.

Nâng cao năng lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng Internet, tham gia truyền thông xã hội đối với những vấn đề được dư luận quan tâm.

Năm là, truyền thông xã hội khác biệt vì nội dung do người dùng tạo ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao, do đó, sự quản lý của Nhà nước là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng.

Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc.

Cho nên, cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân.

Giáo dục định hướng giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin.

Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân- nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các KOLs, influencers, người trẻ trong xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội lành mạnh.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài.

Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên đà phát triển, tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định.

Tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, trong đó, truyền thông xã hội là một trong những nguồn lực thông tin quan trọng, sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh