Bác Sáu Dân- Phan Văn Hòa- Võ Văn Kiệt đã đi xa vừa đúng 11 năm, bác ra đi ngày 11/6/2008. Nay ai cũng thầm cảm ơn bác Sáu Dân khi nhìn lại "cơ ngơi" của gần 18 triệu dân từ 15 tỉnh- thành vùng ĐBSCL.
Bác Sáu Dân- Phan Văn Hòa- Võ Văn Kiệt đã đi xa vừa đúng 11 năm, bác ra đi ngày 11/6/2008. Nay ai cũng thầm cảm ơn bác Sáu Dân khi nhìn lại “cơ ngơi” của gần 18 triệu dân từ 15 tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Bác Sáu là người từ trong bom đạn của vùng đất này ra đi làm cách mạng, là người hiểu rõ nhất lòng dân khi đó dù sống ở một miền quê đầy tiềm năng nhưng còn bao lo toan đói lúa, đói gạo...
Chân dung bác Sáu Dân- Võ Văn Kiệt. |
Bác Sáu Dân- Võ Văn Kiệt trong con mắt các nhà khoa học
Khi về quê hương ông, tôi nhận thấy ai cũng biết và hiểu bác Sáu Dân là con người của công việc, của lòng dân- không chỉ cho Vũng Liêm, Vĩnh Long mà cả nước non nhà.
Hôm về Vĩnh Long dự hội thảo quốc gia về cụ Phan Văn Đáng- Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam- là bạn kháng chiến của bác Sáu Dân, tôi gặp anh Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Anh đã cho bà con Hội Đồng hương tỉnh Vĩnh Long tại TP Hồ Chí Minh biết là công trình Khu lưu niệm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có rất nhiều bà con trong Nam, ngoài Bắc đến thăm và kính cẩn ngưỡng mộ.
Thật không khó lắm để định vị ông là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất ở thập kỷ 90 của thế kỷ XX mà thế giới đã nhìn nhận.
Năm 2005, Hội Khoa học Lịch sử cần những gợi ý cho một đề tài để hội thảo khoa học tại Hội trường Thống nhất, ông đã đến và góp ý nhiều vấn đề mang tầm cỡ lịch sử nước nhà- dù ông không phải là nhà nghiên cứu sử. Từ ông, cái tầm và cái tâm luôn hòa quyện như hai mà là một- vì nhân dân.
Ông là người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc (ngay từ những năm 1940) và còn là kiến trúc sư tài ba của công cuộc đổi mới từ sau Đại hội VI (12/1986) của Đảng.
Có lần chúng tôi được mời dự hội thảo về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại T.78 và tranh thủ giờ giải lao hỏi chuyện cô Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ).
Dù lúc đó cô Bảy đã gần 100 tuổi, song trí nhớ thật tốt khi nhớ từng chi tiết cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ do cô lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thay mặt Tỉnh ủy Vĩnh Long, chỉ đạo mũi Vũng Liêm và Cái Ngang (nay là huyện Tam Bình) vào tháng 11/1940 giành chính quyền về tay nhân dân.
Cô Bảy Huệ cho hay: Dù lúc đó “cậu Phan Văn Hòa” (tên từ nhỏ của bác Sáu Dân- NV) còn rất trẻ, mới tham gia khởi nghĩa lần đầu, song ở cậu có sự chỉ đạo rất kiên quyết.
Cậu cùng nữ Bí thư Quận ủy Vũng Liêm Hà Thị Lan khi đó mới 25 tuổi (tên thường gọi Năm Hồng ở Phường 3- TP Vĩnh Long, nay đã mất- NV) đã chỉ đạo khởi nghĩa thành công, lập chính quyền cách mạng ở quận Vũng Liêm và Cái Ngang.
Từ chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy, cậu Phan Văn Hòa đã huy động rất đông đảo nhân dân- nhất là lớp trẻ để tiêu diệt các đồn Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là một con người kiên quyết, xuất sắc trong chỉ đạo các phong trào- cô Bảy Huệ nhấn mạnh.
Sau ngày hòa bình lập lại, khi bắt tay vào khôi phục kinh tế, Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh và cả miền Nam còn bao khó khăn. Với vai trò Chủ tịch, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, bác Sáu Dân đã mở mang bao nhiêu dự án, đã “cởi trói” cho kinh tế cả một Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh rộng lớn.
Dấu ấn của bác Sáu Dân và tầm ảnh hưởng lan tỏa mà sau này những người “bên kia giới tuyến”- như cố Tổng thống cuối cùng chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh định cư tại Pháp khi trở về Việt Nam cũng đã phải nhìn nhận.
Chúng ta hẳn còn nhớ sau những năm 1980, cơn “khát điện” trên cả nước mà nhất là ở miền Nam. Lúc này, bác Sáu Dân đã ra Trung ương, là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư bây giờ) và trình Bộ Chính trị, BCH Trung ương về việc xây các dự án thủy điện.
Đến nay, sau hơn 40 năm, ta không nhất thiết phải đi lên thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) để khao khát nhìn mặt hồ mênh mông cung cấp điện năng, cần mẫn hòa lưới điện quốc gia hàng tỷ KWh điện/ngày; cũng không cần đi dọc những dặm đường gió bụi từ Bắc vào Nam để ngước nhìn đường dây 500KV vun vút băng qua đèo cao dốc thẳm mà bác Sáu Dân là người kiên quyết trước Quốc hội dù khó mấy cũng làm, vì điện đã đến từng xóm ấp.
Nay thì đường Trường Sơn công nghiệp hóa hàng triệu km đất hoang vu thành các vùng đất tiềm năng với những vườn sầu riêng, cây ăn trái các loại hay cao su, cà phê đứng tốp đầu thế giới…
Con người của trí tuệ- nói đi đôi với làm
Những năm 1986-1990, PGS.TS. Nguyễn Văn Chính- nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên- Môi trường TP Hồ Chí Minh- cho biết: Khi làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, điều mà tất cả các nhà khoa học đều phải ghi nhớ là ông luôn tôn trọng ý kiến, gắn liền trách nhiệm khi các nhà khoa học phản biện.
Năm 1986, ngay sau Đại hội VI (12/1986), khi còn là Phó Chủ tịch HĐBT- tức Phó Thủ tướng, bác Sáu Dân đã thay mặt Thường trực Chính phủ vào Nam, xuống tận ĐBSCL để cùng các nhà khoa học khảo sát, điều tra việc phân vùng, thăm dò cả vùng đất rộng lớn này, vì dân kêu do phèn quá nặng, không trồng được cây gì...
Để tạo điều kiện cho các nhà khoa học cùng đi, bác Sáu đã giao cho chủ tịch UBND của 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An lo việc ăn ở, lo lắng từng tý một, để các nhà khoa học yên tâm tìm ra thế mạnh, điểm yếu một vùng đất trên 40.500km2 nhưng vẫn còn nghèo.
PGS.TS Mai Thành Phụng lúc đó còn ở Viện Khoa học Nông nghiệp Nam Bộ được bác Sáu Dân mời làm việc.
Ông cho biết: “Cụ đưa các nhà khoa học về và nhiệm vụ trước hết là điều tra các vùng của 3 tỉnh này, tìm cho ra các loại phèn; độ sâu các loại đất nhiễm mặn, phèn; độ đậm của chất phèn; có bao nhiêu lớp đất phèn tại từng huyện, từng tỉnh... để tìm ra cách trị phèn, mặn”.
Khi đã là Thủ tướng Chính phủ, bác Sáu Dân càng quan tâm ý kiến các nhà khoa học và đã dự nghe các phiên họp của họ, nghe báo cáo, nghe tranh luận và cho ý kiến tất cả các vấn đề các nhà khoa học đưa ra.
Theo bác Sáu, có 2 vấn đề mà các nhà khoa học đưa ra lúc đó rất khó, là nước ngọt cho vùng đất trên 40.548km2 này, mà vốn đâu làm thủy lợi dẫn nước ngọt về hay cách thau phèn, ém phèn... ra sao.
Và ông đưa ra kết luận: phải làm thủy lợi đồng bộ ngay, đưa nước ngọt từ sông Tiền và các sông lớn của ĐBSCL về rửa mặn, thau phèn... thì năng suất và sản lượng lúa của cả 3 tỉnh này và cả 15 tỉnh- thành vùng ĐBSCL sẽ thay đổi trông thấy vào từng vụ.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyệt đối tin tưởng các công trình mà nhà khoa học đã trình Chính phủ là hoàn toàn khả thi. Năm 1989, sau 4 năm đổi mới, vùng ĐBSCL ngoài lúa đầy đủ cho nhân dân 3 tỉnh, đã có gần 300.000 tấn gạo xuất khẩu đầu tiên.
Về điều này, ai cũng hiểu là nếu không có sự quyết tâm của Chính phủ và các nhà khoa học thì không bao giờ có.
Cho tới nay, vùng ĐBSCL đã đạt sản lượng lúa gạo cao nhất cả nước, trung bình mỗi năm có 6-7 triệu tấn lúa gạo xuất khẩu và Việt Nam ta đã ngang ngửa so Thái Lan, có năm đứng đầu, có năm đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo ra thế giới- kể cả hạt gạo chất lượng cao nay đã sang cả thị trường EU, Nhật Bản, Australia hay Châu Phi, Mỹ La tinh...
Đây cả là một công trình hơn cả “công trình của trái tim” mà gần 18 triệu bà con nông dân Nam Bộ luôn ghi nhớ. Công lao đó được các nhà khoa học nước ta khẳng định, không ai ngoài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- một người con của vùng đất này.
Bây giờ, sau 11 năm ông đi xa, tôi viết nên những dòng này để thấy, trong cách nhìn nhận của ông- kể cả các vấn đề thuộc lịch sử dân tộc, ông đã chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn ngay từ khi ông biết.
Như công trình nghiên cứu lớn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1930-1975)” tập trung hàng chục nhà khoa học đầu ngành về sử học, ông đã chỉ đạo Chính phủ vào cuộc và đích thân ông làm Chủ tịch Hội đồng, cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành như GS. Trần Văn Giàu, Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, PGS.TS Tô Huy Rứa, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, TS. Nguyễn Duy Hùng... trong 3 năm liền đã hoàn thành một công trình đồ sộ về lịch sử của vùng đất Nam Bộ anh hùng, đưa cả vào đĩa CD cho dễ khai thác.
Hay khi ông biết Tạp chí Xưa và Nay (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) mới ra đời, còn bao khó khăn không có nơi làm việc, ông đã cùng với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tìm trụ sở cho đơn vị này làm việc như hiện nay.
Hôm chúng tôi về thăm những người bạn học là giảng viên ở ĐH An Giang, họ tâm sự: Ở bác Sáu Dân, tất cả những điều bác chỉ đạo và đôn đốc, cũng như trực tiếp theo dõi, kiểm tra là đi từ ý chí và lòng dân.
Cả vùng nông thôn rộng lớn nhiễm phèn, nhiễm mặn đi lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, là nhờ công lao to lớn và ý chí mà bác Sáu Dân đã lặn lội cùng các nhà khoa học làm nên.
Điều này, không chỉ các nhà khoa học Việt Nam công nhận, mà các nhà kinh tế, khoa học năm châu đều biết. Họ biết là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói là làm, mà làm là đi từ khoa học, từ kết quả các công trình khoa học.
PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin