Sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Quang cảnh họp Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Nội dung này đã được thảo luận tại tổ chiều 29/5. Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…
Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phần cuối nội dung thảo luận.
Trước đó vào đầu giờ sáng, Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc và một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, Quốc hội họp riêng nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2018, 2019 và thảo luận tại Hội trường về nội dung trên.
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân.
Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước trình xin ý kiến Quốc hội gồm 3 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan liên quan; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động Kiểm toán nhà nước, tránh chồng chéo trong quy định về thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước với các cơ quan chức năng.
Một điểm mới đáng chú ý là điểm d, khoản 2, Điều 7 được sửa đổi, bổ sung theo hướng "Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại" nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận./.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin