Chủ tịch Quốc hội Tone Troen đánh giá cao Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ về xóa đói giảm nghèo, khẳng định Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Tone Troen đánh giá cao Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ về xóa đói giảm nghèo, khẳng định Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Wilhelmsen Troen. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN) |
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, chiều 24/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Troen.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Na Uy tươi đẹp, cảm ơn Quốc hội Na Uy đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm.
Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen đánh giá cao chuyến thăm chính thức Na Uy lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Tone Troen cũng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Na Uy thời gian qua nói chung và giữa Quốc hội hai nước nói riêng; nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển tới Chủ tịch Quốc hội Na Uy lời chào trân trọng của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và mời Chủ tịch Quốc hội Tone Troen thăm Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Tone Troen đánh giá cao Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) về xóa đói giảm nghèo và khẳng định Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này; nhất trí trong thời gian tới Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng, giám sát và thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA).
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và sự cần thiết sớm ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội Na Uy ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, hợp tác kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp Na Uy tăng cường đầu tư vào Việt Nam vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin là những lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Wilhelmsen Trøen cùng các đại biểu chụp ảnh chung tại Nhà Quốc hội Na Uy. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Na Uy, hoạt động lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam, đề nghị Na Uy tạo điều kiện mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng điện tử...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Na Uy thời gian qua đã dành sự hỗ trợ phát triển hiệu quả cho Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ song phương chuyển từ quan hệ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác phát triển bình đẳng, cùng có lợi, đề nghị Quốc hội Na Uy ủng hộ các cơ chế đối thoại, tham vấn chính trị, đối ngoại và các phương thức hợp tác mới, có hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên là ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, kinh tế biển xanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đề nghị Quốc hội Na Uy tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng hơn 20.000 người Việt Nam tại Na Uy, sinh sống ổn định và hòa nhập với sở tại, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, qua đó phát huy cầu nối quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết và gắn kết giữa hai nước, hai dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Tone Troen nhất trí việc cùng nỗ lực duy trì hòa bình, đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)./.
Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin