Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

03:05, 02/05/2019

Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên; coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. 

Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên; coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên được thể hiện trên ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. 

Đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn, mà phải cần, kiệm, liêm, chính; phải “Nhân, Trí, Dũng, Liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ. 

Đối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân.

Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, phải “chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.

Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu  thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.

Thắng lợi của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, biết bao cán bộ, đảng viên đã nêu cao tấm gương sáng ngời, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Nhiều cán bộ, đảng viên đã xung phong đi đầu, sẵn sàng nhận mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, thậm chí là cả hy sinh xương máu của mình để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, mà còn được thể hiện cả trong cuộc sống hàng ngày, với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, “dành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn”. 

Chính vì vậy mà đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thu hút, lôi kéo, động viên được quảng đại quần chúng theo mình, không chỉ đi tiên phong, mà còn là người nêu gương cho những người khác đi theo, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Trong quá trình đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; và Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. 

Kết quả đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, nhận thức và thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên còn có những hạn chế, bất cập, kết quả chưa được như mong muốn. Đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. 

Một số tổ chức Đảng, nhất là ở cấp cơ sở và không ít cán bộ, đảng viên phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác chưa ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. 

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít nguy cơ, khó khăn, thách thức đan xen. 

Trong khi đó, các thế lực thù địch liên tục chống phá ta về mọi mặt, đặc biệt là việc tấn công trên mặt trận tư tưởng, chính trị bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, trọng tâm là bôi nhọ, xuyên tạc, thổi phồng khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp cao để hạ thấp uy tín, chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Vì vậy, hơn lúc nào hết phải đẩy mạnh phương thức nêu gương, đặc biệt là phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc phát huy trách nhiệm nêu gương của các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh to lớn về tinh thần, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo động lực, niềm tin vững chắc cho quần chúng tự nguyện, tự giác làm theo để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Theo PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng/CAND

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh