Ngày 28/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo "giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của MTTQ Việt Nam".
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của MTTQ Việt Nam”.
Hội thảo về phòng chống tham nhũng |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tham gia PCTN và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng xảy ra trên địa bàn.
Thời gian qua, nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong công tác PCTN. Mặt trận đã ban hành chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020… Đồng thời, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã có những kết quả bước đầu. Cơ chế giám sát, nhất là giám sát ở cơ sở để PCTN từng bước được hoàn thiện. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp từng bước tích cực thực hiện chức năng giám sát của mình qua việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng và giám sát việc giải quyết vụ việc đó.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cũng triển khai hiệu quả việc tiếp nhận thông tin của nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”. Thông qua các bài báo phản ánh hiện tượng tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tập trung phân tích, chọn lọc một số phản ánh có cơ sở và gây bức xúc xã hội để gửi tới các cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để kiến nghị giải quyết và theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, thông báo cho nhân dân biết.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. “Phải khai thác hiệu quả thông tin mà các cơ quan báo chí của Mặt trận trực tiếp phản ánh về hiện tượng tham nhũng, lãng phí để từ đó tập trung đề xuất giải quyết một số vụ việc cụ thể với chính quyền các cấp và đi đến cùng vụ việc”, ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.
Ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng cần phải phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để trực tiếp phát hiện các vụ việc tham nhũng, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc và tập hợp gửi lên cấp trên có thẩm quyền xem xét. “Hàng năm, Mặt trận cần có một chương trình giám sát về việc phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan...”, ông Đỗ Duy Thường gợi mở.
GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tiếng nói của Mặt trận trong cuộc đấu tranh PCTN chính là tiếng nói của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn. “Mặt trận phải dựa vào nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân phản ánh tham nhũng và khơi dậy tính tự giác của quần chúng nhân dân thông qua việc phát hiện những vụ việc trên địa bàn”, GS Trần Ngọc Đường nói.
Theo ông Ngô Sách Thực, hiện nay Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì thực hiện 2 chương trình giám sát. Thứ nhất là giám sát cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thứ hai là giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Từ chương trình giám sát này, MTTQ Việt Nam có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai và huy động được sự quan tâm của nhân dân vào hoạt động giám sát và góp phần đẩy lùi tham nhũng. “Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, Mặt trận các cấp cần căn cứ vào những bài báo phản ánh về hiện tượng tham nhũng, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vụ việc cụ thể và yêu cầu cơ quan chức năng giải trình quá trình giải quyết vụ việc”, ông Thực nhấn mạnh. Thực tế, có những vụ việc tồn tại lâu chưa thể giải quyết nhưng khi báo chí vào cuộc thì vụ việc đã có tác động tới cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đã có hướng giải quyết hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Tới đây, các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều phải hướng về nhân dân, phải khép được những khe hở về cơ chế, chính sách để Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng xảy ra trên địa bàn.
Theo PHAN THẢO/SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin