Mô hình tuyên truyền trên loa

08:05, 26/05/2019

Đó là nhận định của đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ- tại hội nghị sơ kết Đề án 03 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy "Thí điểm mô hình tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên Đài Truyền thanh huyện và hệ thống truyền thanh xã- thị trấn huyện Long Hồ". 

Đó là nhận định của đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ- tại hội nghị sơ kết Đề án 03 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “Thí điểm mô hình tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên Đài Truyền thanh huyện và hệ thống truyền thanh xã- thị trấn huyện Long Hồ”.

Bởi theo đồng chí Hồ Văn Minh, thời gian qua việc tuyên truyền miệng khá hiệu quả, tuy nhiên chỉ có thể thực hiện đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; còn hình thức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh phù hợp với đối tượng quần chúng nhân dân.

Việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết trên Đài Truyền thanh huyện Long Hồ và hệ thống truyền thanh xã- thị trấn góp phần đưa thông tin đến rộng rãi nhân dân.
Việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết trên Đài Truyền thanh huyện Long Hồ và hệ thống truyền thanh xã- thị trấn góp phần đưa thông tin đến rộng rãi nhân dân.

Thông tin đến hầu hết người dân

Mỗi ngày cứ 2 lượt sáng và chiều, sau khi tiếp âm chương trình thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài Truyền thanh huyện Long Hồ (nay là Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện) lại phát sóng chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Còn trưa thì phát từ 11 giờ đến 11h giờ 30 phút. Các trạm loa truyền thanh xã- thị trấn, ấp- khóm lại tiếp âm chương trình của Đài Truyền thanh huyện.

Ông Dương Ngọc Châu- cán bộ truyền thanh xã Tân Hạnh cho biết: Xã có 19 trạm phát sóng đặt ở các ấp. Lúc đầu tiếp sóng chương trình, người dân cho rằng ồn ào nhưng nay thì lại thích nghe vì họ cho rằng thông tin thời sự và thiết thực.

Còn người dân ở địa phương thì cho hay: Ở quê không có điều kiện đọc sách, báo nên nghe đài truyền thanh sẽ giúp họ hiểu hơn về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng như các tin tức thời sự có liên quan đến tỉnh, huyện. “Nghe riết thành thói quen, sáng nào thức dậy hay tối hết giờ làm, tui cũng mong ngóng nghe tin tức trên sóng phát thanh hết”- anh Ngô Thanh Tùng, người dân ở ấp An Nhơn (xã Tân Hạnh) nói.

Theo báo cáo, qua 6 tháng tổ chức thực hiện đề án, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện đã xây dựng được 24 chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” gồm 31 bài, 63 tin, phát 300 lượt với tổng thời lượng 125 giờ. Hệ thống các trạm loa truyền thanh xã- thị trấn, ấp- khóm tiếp âm 73.500 lượt, với thời lượng 30.625 giờ. Độ phủ sóng của các cụm loa không dây các ấp- khóm đến 85% dân số. Nội dung do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Hồ phối hợp biên soạn.

Ông Phạm Công Toàn- Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Long Hồ cho biết: Toàn huyện có 245 trạm loa truyền thanh không dây kỹ thuật số, đảm bảo mỗi ấp- khóm có ít nhất 2 cụm (mỗi cụm gồm 1 đầu thu và 2 loa phóng thanh). Mỗi xã- thị trấn đều có cán bộ phụ trách công tác truyền thanh...

Theo ông Phạm Công Toàn, lúc đầu phát sóng nhiều người cho rằng nội dung chuyên mục nặng về chính trị, không hấp dẫn nên họ không thích nghe. Nhưng đến giờ thì đã không còn phản ánh và qua nắm bắt thông tin, nhiều người dân cho biết họ đã quen dần và thấy được nhiều thông tin bổ ích từ chuyên mục.

Vì thế, “mô hình này đã giúp quần chúng nhân dân nắm được những thông tin về chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà họ chưa cập nhật được. Qua đó, góp phần rất lớn trong việc củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền; nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng địa phương…”- ông nói.

Để trở thành “món ăn tinh thần của người dân”

Việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên Đài Truyền thanh huyện Long Hồ và hệ thống truyền thanh xã- thị trấn đảm bảo được tính định hướng tư tưởng, thông tin được đến với hầu hết người dân.

Theo ông Võ Văn Chí Hạnh- Chánh Văn phòng HĐND- UBND huyện Long Hồ- thì đề án này rất cần thiết và quan trọng trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, cần phải quan tâm đến nội dung chuyên mục để vừa đảm bảo được tính chính thống nhưng phải hấp dẫn người nghe. “Phải tạo được nét đột phá đặc biệt riêng, thông tin phải có chất lượng cao, có trọng tâm để nhân dân từ “cưỡng ép” nghe, chuyển thành thích nghe, muốn nghe và trở thành “món ăn tinh thần đầy dinh dưỡng” không thể thiếu”.

Ông cũng đề xuất: Chuyên mục nên tập trung vào những nội dung được người dân quan tâm như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; những kết quả thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của địa phương…

Các ấp- khóm được trang bị đầu thu không dây và loa để tiếp sóng chương trình.
Các ấp- khóm được trang bị đầu thu không dây và loa để tiếp sóng chương trình.

Ông Phạm An Hưng- Phó Đài Truyền thanh TP Vĩnh Long- cho hay: Đài Truyền thanh TP Vĩnh Long có trên 500 loa truyền thanh đến các xã- phường và mỗi xã- phường có từ 40- 50 loa. Các trạm truyền thanh xã- phường tiếp âm các đài trung ương, tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các trạm truyền thanh này có xây dựng được chương trình thời sự của phường- xã (phát khoảng 20 phút) thông tin các vấn đề của địa phương thực hiện nên rất được bà con quan tâm.

Do đó theo ông, khi tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên hệ thống truyền thanh thì nội dung cần sát với người dân. Thực hiện theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, phát nhiều lần thì sẽ giúp người dân nắm được các nội dung cần phổ biến.

Đồng chí Nguyễn Văn Săn- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- nhấn mạnh: Việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là việc làm hết sức cần thiết. Vì thế, địa phương cần thống nhất quan điểm chung là tăng cường tuyên truyền đưa thông tin về cơ sở, phổ biến ra dân bằng mọi hình thức.

Đồng chí cũng lưu ý cần tiếp tục giữ vững khung giờ phát sóng ngoài khung giờ cố định để tạo điểm nhấn, gây sự chú ý của người nghe; nội dung tuyên truyền phải chính thống, thể loại phong phú và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ cung cấp nội dung. Song song đó, quan tâm chỉ đạo và phát động đội ngũ cộng tác viên trên địa bàn viết tin, bài để chương trình đa dạng và hấp dẫn khán giả hơn...

Qua điều tra xã hội học cho thấy, qua thời gian tổ chức thực hiện Đề án 03 có trên 92% người dân được hỏi cho biết nội dung chỉ thị, nghị quyết được tuyên truyền trên đài truyền thanh là rất bổ ích và cần thiết; 78,29% đánh giá dễ tiếp nhận và có trên 72% cho rằng phương án thông tin chỉ thị, nghị quyết trên đài, trạm loa truyền thanh là ưu việt hơn khi so sánh với phương án tập hợp dân để tuyên truyền miệng.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh