Luật Thư viện nên xây dựng luật theo hướng mở

06:05, 23/05/2019

Chiều 23/5/2019, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Luật Thư viện. Đóng góp cho dự án luật này, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị nên xây dựng luật theo hướng mở để tất cả các đối tượng đều được thụ hưởng khi luật đi vào thực tiễn cuộc sống

 

Chiều 23/5/2019, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Luật Thư viện. Đóng góp cho dự án luật này, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị nên xây dựng luật theo hướng mở để tất cả các đối tượng đều được thụ hưởng khi luật đi vào thực tiễn cuộc sống

* Đại biểu Lưu Thành Công: Tôi đồng tình với việc ban hành Luật Thư viện nhằm xây dựng một thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng như củng cố lại hệ thống thư viện hiện nay. Một ý nghĩa khác là việc ban hành luật góp phần khôi phục lại văn hóa đọc đang có chiều hướng mai một.

Thực tế khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện hiện nay, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân.

Đóng góp cụ thể cho dự án luật, luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của nhà nước dành một phần kinh phí để hệ thống thư viện phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và quản lý hiệu quả hệ thống thư viện này. Khi đó, hệ thống thư viện sẽ giữ vai trò lưu trữ bảo tồn những tư liệu quý của dân tộc, những giá trị văn hóa tinh thần của nhân loại, tạo môi trường học tập suốt đời để góp phần nâng cao dân trí…

Ngoài ra, đối với xã hội và cộng đồng cần có những chế định thu hút xã hội hóa để phát huy hệ thống thư viện, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, mọi cá nhân  đều có thể tham gia vào thực hiện các dự án thư viện này. Và đề nghị ban soạn thảo xây dựng luật theo hướng mở để tất cả các đối tượng đều được thụ hưởng khi luật đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đóng góp thêm cho dự án luật, đề nghị dự án luật cần bổ sung thêm chức năng giải trí cho hệ thống thư viện. Qua khảo sát mới đây, tôi thấy nhiều thư viện lớn, thư viện trung tâm có những cách làm mang tính giải trí rất hay để thu hút người đọc: Mời tác giả đến để giới thiệu tác phẩm, có những buổi bình luận tác phẩm, chiếu phim giới thiệu… cách làm này vừa thu hút bạn đọc vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng rất nhiều.

Về hạng thư viện và tiêu chí xếp hạng thư viện, dự thảo luật quy định, xếp hạng thư viện được thực hiện dựa trên các tiêu chí sau: Quy mô và phạm vi hoạt động của thư viện; cơ sở hạ tầng, vốn tài liệu và tiện ích thư viện; cơ cấu, trình độ và năng lực của người làm thư viện… theo tôi quy định như thế để xếp hạng rất lãng phí.

Bởi lẽ, nếu quy mô và phạm vi hoạt động của thư viện tốt đến đâu nếu không có người đọc cũng như không; rồi cơ sở hạ tầng, vốn tài liệu và tiện ích thư viện có nhiều đi chăng nữa nhưng người đọc không đến, vấn đề này trong thực tế đang diễn ra nhiều. Theo tôi, cách đánh giá thư viện tốt nhất là thư viện có nhiều thông tin cho đọc giả hay không, và có nhiều đọc giả tìm đến đọc hay không, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Về sự cần thiết ban hành luật, theo tôi mạng lưới thư viện công lập đã được thiết lập, phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.014 thư viện và 20.813 tủ sách cơ sở. Hiện, mạng lưới thư viện công lập góp phần đắc lực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước.

Ngoài những kết quả đạt được, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thư viện đã bộc lộ một số hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, nhiều nội dung quy định không còn đáp ứng với yêu cầu phát triển của hoạt động thư viện.

Một số quy định trong Pháp lệnh Thư viện đã bất cập, nên khó thực thi hoặc khi triển khai vào thực tiễn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do vậy, để tăng cường pháp chế thư viện, tôi thống nhất với sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện, một căn cứ pháp lý cao nhất để đẩy mạnh hoạt động thư viện- một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đóng góp cụ thể cho dự án luật, về phân loại thư viện và mô hình tổ chức của các loại hình thư viện (Điều 5), dự thảo luật quy định việc thực hiện phân loại thư viện theo ba tiêu chí: Hình thức sở hữu, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động để có chính sách phát triển, phương thức quản lý phù hợp, từ đó quy định thẩm quyền, quy trình, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với từng loại.

Việc phân theo hình thức sở hữu làm rõ việc bổ sung các loại thư viện ngoài công lập thể hiện chính sách thực hiện đa dạng hóa các loại hình thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển mạng lưới tại cơ sở, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, thu hút các thành phần tham gia phát triển thư viện.

Tuy nhiên, việc phân loại thư viện công lập còn trùng lặp, vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để có cách phân loại thư viện đảm bảo logic và thể hiện được mạng lưới, hệ thống thư viện; đồng thời giúp việc xác định quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thành lập và phát triển hệ thống thư viện Việt Nam.

Dự thảo luật quy định thư viện thuộc cơ sở giáo dục gồm: Thư viện đại học và thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác (thư viện thuộc cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, thư viện thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên).

Thư viện thuộc cơ sở giáo dục hiện nay chiếm số lượng rất lớn (với gần 400 thư viện các trường đại học, cao đẳng, tương đương; 25.915 thư viện các trường phổ thông các cấp) mang tính đặc thù nhưng có những điểm chung về tính chuyên môn và đa phần các đơn vị này hình thành khi thành lập cơ sở giáo dục và hiện chính sách đối với đội ngũ làm công tác thư viện còn nhiều bất cập.

Cụ thể, cơ sở vật chất, chất lượng cán bộ thư viện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đang là vấn đề cần phải giải quyết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đi kèm với đó là chính sách đầu tư. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về mô hình, điều kiện hoạt động, trách nhiệm của thư viện, trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chủ quản nhằm phát triển hệ thống thư viện thuộc cơ sở giáo dục.

Đồng thời, bổ sung cơ chế mở rộng đối tượng phục vụ phù hợp với năng lực của từng thư viện nhằm vừa đảm bảo những quy chuẩn chung, thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn mạng lưới thư viện đặc biệt với thư viện ngoài công lập. Qua đó, tạo tiền đề, nền tảng thống nhất và vững chắc tiến tới sự hòa nhập với thế giới, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, vừa tạo cơ sở vững chắc để đổi mới phương thức hoạt động của thư viện.

TÂM HUỲNH (ghi)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh