Chìa khóa mở 'cánh cửa Điện Biên Phủ'

10:05, 06/05/2019

40 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: "...ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954 - T.G), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc".

 

40 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “...ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954 - T.G), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Đây được coi là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử. Bằng quyết định này, ta đã làm cho Bộ chỉ huy quân Pháp hoàn toàn bất ngờ: Việt Minh không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến trong 3 đêm 2 ngày với hơn 16 ngàn quân tinh nhuệ và thiện chiến của Pháp đang án ngữ trong 49 cứ điểm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một pháo đài mà họ cho là “bất khả xâm phạm”.

Với quyết định này, ngày mở màn trận đánh “kinh điển” Điện Biên Phủ được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch đã được xác định. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã chủ động chuyển sang vây hãm dài ngày; triệt phá đường tiếp tế; xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm ki-lô-met đường hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện; tập trung binh hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm; tạo thế chia cắt cô lập với bên ngoài và giữa các cứ điểm, các trung tâm đề kháng với nhau… tiến tới tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm.

Thực tế lịch sử diễn ra trong 56 ngày đêm (từ 13/3 đến 7/5/1954) chứng minh quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định đó được coi là “chìa khóa” để mở cánh cửa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nó được đưa ra dựa trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị và Tổng Quân ủy.

Tháng 9/1953, Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng họp bàn định về hoạt động quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954. Mục đích của đợt hoạt động này là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại Kế hoạch Navare của Pháp; tạo nên bước chuyển biến mới cho cuộc kháng chiến. Về nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến, Bộ Chính trị xác định: Chọn nơi địch sơ hở, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững quyền chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Kết thúc Hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay  không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dụng binh là phải thiên biến vạn hóa.  

Thấu triệt tinh thần trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng quân ủy, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đã khẩn trương triển khai xây dựng đề án  tác chiến trên các hướng: Tây Bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc bộ; Trung-Hạ Lào và phát triển sang Campuchia; Bắc Tây Nguyên của Liên khu 5. Điều đáng lưu ý là trong Đề án hoạt động quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954 của ta và cả trong Kế hoạch Navare của Pháp cho đến thời điểm này đều chưa có cụm từ “Điện Biên Phủ”.

Trung tuần tháng 11/1953, trong khi Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc và các lực lượng chủ lực khác của QĐNDVN đang triển khai thực hiện theo kế hoạch tác chiến nêu trên, thì ngày 20/11, quân Pháp mở cuộc hành quân Catsto nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm cứu nguy cho Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào. Và rồi, trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa Đông năm 1953, Điện Biên Phủ dần trở thành tâm điểm của Kế hoạch Navare. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, BCH quân Pháp đã nhanh chóng biến địa bàn này thành một tập đoàn cứ điểm mạnh giữa vùng rừng núi Tây Bắc.

Trong khi Navare và BCH quân Pháp chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với chủ lực Việt Minh, thì Bộ Chính trị, Tổng quân ủy cũng quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân Pháp. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng lúc, năm đòn tiến công của bộ đội chủ lực cũng được hình thành để phối hợp và "chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều này đã làm cho kế hoạch tập trung quân cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc bộ của Navarre không thể thực hiện đựợc. Bộ chỉ huy quân Pháp cực chẳng đã, buộc phải phân tán lực lượng lên Điện Biên Phủ, Trung-Hạ Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào. Ngày 1/1/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập. Trước ngày lên đường ra Mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận - Võ Nguyên Giáp đã đến Khuổi Tát chào Bác Hồ. Người đã căn dặn Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, BCH Mặt trận triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch để phổ biến kế hoạch tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại Hội nghị này, bộ phận tiền trạm của Bộ Tổng tham mưu và cố vấn Trung Quốc đều cho rằng địch vừa mới đổ quân xuống còn "lạ nước, lạ cái”, binh lực chưa nhiều, công sự còn sơ sài, bố phòng còn sơ hở… trong khi đó thì bộ đội ta còn sung sức, hừng hực khí thế, vì vậy mà cần tranh thủ thời gian, lợi dụng khai thác những hạn chế nêu trên của địch, thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Theo phương châm tác chiến này, ta tập trung ưu thế binh hỏa lực, nhằm vào chỗ hở sườn nhất của địch, đánh thốc thẳng vào trung tâm Mường Thanh, tạo thế chia cắt, cô lập, cô lập từng cứ điểm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch… tạo nên sự chuyển biến tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Với cách đánh này, thời gian diễn ra chiến dịch sẽ được rút ngắn, công tác bảo đảm sẽ thuận lợi hơn, bộ đội đỡ mệt mỏi hơn. Hội nghị nhất trí tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Mọi hoạt động đều triển khai theo phương châm này.

Tuy nhiên, tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến rất nhanh, từng ngày. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó mà bảo đảm “chắc thắng”. Chính vì vậy mà sau khi bàn bạc, trao đổi cùng trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh, với tinh thần trách nhiệm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất Đảng ủy, BCH chiến dịch thay đổi phương châm, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Hay nói đúng hơn là quay trở về phương châm đã được xác định trong Tờ trình của Tổng Quân ủy gửi lên Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, trong đó dự kiến: “Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, không kể thời gian tập trung bộ đội và làm công tác chuẩn bị. Trận đánh có thể được bắt đầu vào trung tuần tháng 2/1954. Dự kiến này đã được tính toán theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.  

Quyết định thay đổi phương châm tác chiến phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, sáng tạo, trước hết là của Chỉ huy trưởng, của tập thể Đảng ủy, BCH chiến dịch trên cơ sở  thấu triệt  sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng”của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ủy thác của Bộ Chính trị.  

Thực tế lịch sử đã chứng minh cho thấy quyết định thay đổi phương châm tác chiến là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Nó thể hiện bản lĩnh, khả năng phân tích tình hình và trách nhiệm của tập thể Đảng ủy, BCH chiến dịch và cá nhân Chỉ huy trưởng; thể hiện sự thấm nhuần và thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” trước khi bước vào một trận đánh lớn. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến tuy là  của tập thể Đảng ủy, BCH chiến dịch và có sự tham khảo ý kiến của Cố vấn Trung Quốc, nhưng nó mang đậm dấu ấn của Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp.

Qua nhiều nguồn tư liệu cũng như lời kể của một số nhân chứng - những người từng làm việc bên cạnh Đại tướng trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch  thì quãng thời gian từ sau Hội nghị Thẩm Púa cho đến ngày 25/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều trăn trở xung quanh chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Từng ngày, từng giờ  dõi theo từng động thái ở mặt trận, nỗi lo lắng và sự hoài nghi trong ông về yếu tố “chắc thắng”nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” cứ lớn dần cùng với sự gia tăng tính kiên cố và sức mạnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp và sự khó khăn trong việc đưa pháo vào và chuẩn bị công sự của bộ đội ta.

Để có được một quyết định mà như ông nói là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân” của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng; trải qua một “cuộc sát hạch” trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình, lập luận một cách khoa học đủ sức thuyết phục Đoàn cố vấn, tập thể Đảng ủy và BCH Mặt trận, để nhận được sự đồng thuận.

Điều đáng nói là dù thấy trước những khó khăn mới từ việc thay đổi phương châm tác chiến nhưng rõ ràng thấu triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Đảng ủy, BCH chiến dịch đã tìm ra “chiếc chìa khóa” để có thể mở cánh cửa tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được coi là bất khả xâm phạm này. Tư tưởng “đánh chắc thắng” là bất biến; việc lựa chọn cách đánh sao cho phù hợp chính là sự thể hiện “ứng vạn biến”.

Đó là quy luật của lịch sử và quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những trường hợp như vậy.

Đại tá - PGS, TS Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Theo Báo tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh