"Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?" là câu hỏi được quan tâm nhất tại diễn đàn "Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ" trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019.
“Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?” là câu hỏi được quan tâm nhất tại diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
“Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?” là câu hỏi được quan tâm nhất tại diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” và giao lưu “Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 17/3, tại Hà Nội.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Ban Tổ chức diễn đàn hy vọng đây là cuộc trao đổi thoải mái, chân thành, cởi mở giữa những người đã, đang và sẽ làm nghề báo; góp phần vào thành công của hội báo.
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ, trong đó có việc đào tạo những kỹ năng làm nghề; sinh viên, nhà báo trẻ cần chuẩn bị những gì để hội nhập với báo chí thế giới trong thời đại công nghệ 4.0; nguyên nhân dẫn đến những tai nạn nghề nghiệp, nhất là đối với các nhà báo làm điều tra…
Đa số các nhà báo cao niên, nhà quản lý báo chí, những người giảng dạy trong lĩnh vực báo chí đều cho rằng: Để làm báo thành công trong thời đại 4.0, các nhà báo trẻ cần có kiến thức, kỹ năng, biết cập nhật và sử dụng tốt công nghệ hiện đại, có năng lực kết nối và dẫn dắt dư luận…
Đặt câu hỏi: Trước khi trở thành nhà báo có kỹ năng giỏi, các nhà báo trẻ cần hiểu kỹ năng là gì? tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng kỹ năng trước hết là kiến thức, tri thức về hoạt động cụ thể. Những tri thức, kiến thức này được thường xuyên sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thuần thục sẽ trở thành kỹ năng. Kỹ năng đầu tiên sinh viên, nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, “va chạm” nhiều từ đó mới có được kiến thức, kinh nghiệm, kiến giải thuyết phục về vấn đề mình viết.
Cùng chung quan điểm đó, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Dững chia sẻ thêm rằng ông đã đi khoảng 30 nước trên thế giới, trong quá trình đó, ông thấy Việt Nam là một nước tổ chức đào tạo kỹ năng làm báo sớm.
Theo ông, ngày nay phải khẳng định rằng nhà báo trẻ có thế mạnh hơn các nhà báo cao niên ở năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện; ngoại ngữ “siêu” hơn; hiểu biết hơn về các phương tiện kỹ thuật công nghệ. Những điểm mạnh này giúp các nhà báo trẻ có khả năng phân tích, tổng hợp để thể hiện những tác phẩm báo chí tốt.
Tuy nhiên, để trở thành nhà báo thành công, các nhà báo trẻ phải có kiến thức, có tư duy trong đó quan trọng nhất là tư duy kết nối, tư duy phản biện và dẫn dắt dư luận. Những điều này có được khi các bạn thường xuyên, cập nhật kiến thức mới, có sự rèn luyện của riêng mình.
Bên cạnh đó, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Dững cũng hy vọng các cơ sở đào tạo báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nên có những chương trình lớn để đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kiến thức nhất trong việc viết về xây dựng Đảng, viết chính luận… để giúp các nhà báo, phóng viên trẻ nâng cao kỹ năng làm báo.
Tiến sỹ, nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn lại cho rằng thách thức lớn nhất của nhà báo trẻ trong thời đại 4.0 chính là ngoại ngữ. Các nhà báo trẻ cần biết nhiều ngoại ngữ để có thể kiểm chứng thông tin đa chiều, bởi vậy nên đầu tư cho việc học ngoại ngữ hàng ngày.
Với những nhà báo làm điều tra phải công bằng, có kiến thức để đánh giá sự việc, hiện tượng. Để làm được như vậy, các nhà báo cần tiếp cận thông tin đa chiều, ứng dụng đa phương pháp để tìm ra tính xác thực của thông tin đồng thời cũng biết cách để tự bảo vệ mình, bảo vệ những thông tin mình đưa ra.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Rất lạc quan về năng lực, khả năng của các nhà báo, phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng tương lai của báo chí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lớp nhà báo trẻ, những sinh viên báo chí đang ngồi trên ghế nhà trường. Để có nền báo chí phát triển, chúng ta cần có những nhà báo giỏi. Việc làm này bắt đầu từ nhà trường với trách nhiệm đào tạo cơ bản. Cơ quan báo chí khi tiếp nhận phóng viên nên đào tạo lại theo yêu cầu công việc, tiêu chí của đơn vị mình.
Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo, sử dụng cũng cần quan tâm đến việc đào tạo về đạo đức làm nghề cho phóng viên, nhà báo. Thực tế cho thấy kiến thức, kỹ năng và đạo đức làm nghề như cái kiềng ba chân giúp các nhà báo trẻ vững bước trên con đường để trở thành nhà báo chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định diễn đàn là cuộc đối thoại sôi nổi, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ; thể hiện trách nhiệm của những người làm báo đi trước đối với thế hệ làm báo trẻ.
Theo ông, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, tâm thế, trách nhiệm, đạo đức nhà báo quan trọng nhất bởi nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi tin rằng các nhà báo chúng ta có thể thắng mạng xã hội bằng sự tin cậy, thuyết phục của bài báo, bằng đạo đức người làm báo. Điều này gắn với việc xây dựng đội ngũ làm nghề từ trên ghế nhà trường có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
“Nếu có được đội ngũ những người làm báo như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền báo chí giàu tính chiến đấu, đầy nhân văn phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước, nhân dân” - nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.
Theo Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin