Theo lịch trình dự kiến, 11h trưa nay 27/2 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Phủ Chủ tịch.
Theo lịch trình dự kiến, 11h trưa nay 27/2 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Phủ Chủ tịch.
Các học sinh Việt Nam cầm cờ Việt Nam và Mỹ chào đón buổi hội đàm giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ngay sau đó, khoảng 12h, ông Trump sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Chính phủ.
Đây là lần trở lại Việt Nam thứ hai của ông Trump kể từ tháng 11/2017 khi ông chủ Nhà Trắng dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng và thăm cấp nhà nước Việt Nam sau đó.
Dự kiến trong chuyến thăm Việt Nam kết hợp dự thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 với Chủ tịch Kim Jong Un ở Hà Nội, ông Trump và lãnh đạo Việt Nam sẽ chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện đầu tư.
Mới đây, ngày 15/2, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam. Chứng nhận này đồng nghĩa Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn mở đường bay thẳng say Mỹ.
Trong quan hệ song phương Việt - Mỹ thời gian gần đây, quan hệ thương mại - đầu tư được xem là trụ cột quan trọng nhất.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam (cập nhật tháng 10-2018), về kinh tế, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam và Mỹ tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, đạt trên 54 tỉ USD năm 2017, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 38 tỉ USD.
Mỹ tuy nhập siêu song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam tăng nhanh ở mức 77% (gấp 4 lần tốc độ tăng của Việt Nam), xuất siêu về dịch vụ. Tính đến hết quý II/2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 27,4 tỉ USD. Nhập khẩu từ Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Việt Nam xuất sang Mỹ các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và nông sản; và nhập từ Mỹ các mặt hàng gồm máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, bông các loại, thức ăn gia súc, thiết bị, máy móc, dụng cụ, phụ tùng.
Dưới chính quyền Trump, vấn đề thâm hụt thương mại được coi là ưu tiên cao. Việt Nam đang tích cực phối hợp với Mỹ để tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Về đầu tư, đến tháng 6/2018, Mỹ xếp thứ 10/128 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 9,4 tỉ USD, đồng thời xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD.
Hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước được duy trì trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ 2015. Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam (tháng 5-2016). Việt Nam tiếp nhận tàu Hamilton của Mỹ trong năm 2017.
Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực (Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thăm Mỹ tháng 8/2017, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh thăm Mỹ và dự Đối thoại chính sách quốc phòng tháng 10/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Việt Nam tháng 1/2018). Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021. Tàu sân bay USS Carl Vinson lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam (3/2018).
Về hợp tác về giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân trên đà phát triển tích cực. Hiện có trên 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ.
Hai bên đang tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam; trao đổi về Hiệp định thực thi Chương trình Hòa Bình, cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam tính đến tháng 11/2017 đạt hơn 560.000 lượt, tăng 120,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo QUỲNH TRUNG/TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin