Di chúc được Bác sửa lại một số lần, bổ sung thêm nội dung, nhưng rất ngắn gọn, cụ thể, sâu sắc.
Di chúc được Bác sửa lại một số lần, bổ sung thêm nội dung, nhưng rất ngắn gọn, cụ thể, sâu sắc.
Sáng 10/5/1965, trong thời điểm khắp nơi đang sôi nổi thi đua lập thành tịch mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi, tại nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, Bác bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc, để lại những lời dặn dò cho hậu thế trước lúc Người thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng hơn 4 năm sau đó.
Di chúc được Bác sửa lại một số lần, bổ sung thêm nội dung, nhưng rất ngắn gọn, cụ thể, sâu sắc. Biết rằng mình không thể sống cho đến ngày Tổ quốc được thống nhất, non sông thu về một mối, nhưng Bác tin tưởng chắc chắn rằng sự nghiệp kháng chiến cứu nước, thống nhất non sông sẽ nhất định thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời rất chú trọng đến vấn đề xây dựng Đảng. (Ảnh tư liệu) |
Phải xứng đáng là lãnh đạo, là đầy tớ
50 năm sau ngày Bác đi xa, nhưng hình ảnh, tư tưởng của Bác vẫn mãi mãi trường tồn với non sông đất nước. Đọc lại Di chúc, soi xét kết quả thực hiện những lời dặn dò của Bác, chúng ta thấy được tầm nhìn vĩ đại của một anh hùng dân tộc, với những vấn đề đặt ra còn nguyên tính thời sự.
Tôi thấy rằng thực hiện Di chúc Bác Hồ, điều chúng ta làm được là đã đi đến đích với thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước năm 1975. Đây là điều Bác đau đáu nhất từ thời niên thiếu, để rồi quyết định xuất dương “tìm hình của nước” vào năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng.
Và kể từ khi tiến hành đổi mới năm 1986., chúng ta cũng đã có nhiều thành tích đáng tự hào về phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, làm cơ đồ ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Tôi là một người lính cận vệ của Bác Hồ, được ở bên cạnh để bảo vệ Bác trong những năm tháng cuối cùng trước lúc Người đi xa, rồi sau đó lại được giao nhiệm vụ cầm cây bút, cái chổi gìn giữ những kỷ vật nơi Bác ở và làm việc.
Sau 50 năm, giở lại bản Di chúc mà mình đã thuộc lòng, đã mang theo suốt nửa thế kỷ thì vẫn thấy đau đáu một điều, và đó là điều Bác căn dặn: “Trước hết nói về Đảng”.
Tại sao trong bản Di chúc thiêng liêng, Người lại “Trước hết nói về Đảng”? Bởi đó là một đảng cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã khai sinh, dày công xây dựng, là chính đảng tiên phong mang sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn... nhưng đồng thời là một đảng cầm quyền ẩn chứa nguy cơ suy thoái mà lãnh tụ như Bác đã nhìn thấy trước.
Trong đoạn “Trước hết nói về Đảng” ấy, Bác căn dặn “các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một đảng cầm quyền.
Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, nguyên giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ chủ tịch. |
Đầy tự hào, nhưng cũng rất lo âu
Là một nhà cách mạng từng trải, bôn ba khắp bốn bể năm châu, am tường văn hóa và lịch sử, Hồ Chí Minh đủ trải nghiệm để nhận thức rõ rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân...”
Từ nhận thức và sự lo lắng ấy, không chỉ trong Di chúc mà nhiều lần Bác đã lưu ý cán bộ đảng viên rằng: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”; “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính.
Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”; “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của Nhân dân mà ra”...
Điều khiến những đảng viên lão thành như tôi mỗi khi nghĩ về Đảng đầy tự hào nhưng cũng rất lo âu, cảm thấy day dứt, thấy có lỗi với Bác Hồ, là nhiều năm sau ngày Bác đi xa, nỗi lo ấy đã trở thành sự thật, như chính người đứng đầu Đảng ta là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đau xót thừa nhận:
“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao, chưa được đẩy lùi mà ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.
Hơn lúc nào hết, chúng tôi thể hiện sự ủng hộ cao độ và tuyệt đối công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng và suy thoái, đang được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chỉ đạo.
Chúng tôi nghĩ rằng đồng thời với “chống” quyết liệt thì phải “xây” một cách bài bản, bắt đầu từ công tác cán bộ, với việc thực hiện nghiêm túc lời dặn dò của Bác là phải “thực hành dân chủ rộng rãi”.
Phải thực sự tìm được những người tài giỏi, “vừa hồng vừa chuyên” để gánh vác việc nước, dứt khoát không thể để tình trạng “đảng viên nhan nhản, cộng sản mấy người”.
Trên những lập luận như vậy, chúng ta thấy rằng Di chúc mang giá trị nhân văn cao cả, là lời huấn thị của lãnh tụ thiên tài, yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ quyền cao chức trọng phải rèn luyện cho mình tư chất để ở đời và làm người.
Ở đời phải thân Dân, gần Dân, lo cái lo của Dân, đau cái đau của Dân. Làm người phải chính tâm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mong rằng mỗi người Việt Nam chúng ta hãy đọc lại, hãy đọc lại những lời căn dặn của Người, soi rọi vào cuộc sống, công việc hàng ngày của mình.
Di chúc của Bác Hồ phải trở thành mệnh lệnh trong công cuộc “chỉnh đốn” đảng cầm quyền, hối thúc mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người cán bộ, đảng viên thật thà tự phê bình và phê bình, thấy rõ những sai lầm để sữa chữa, nhìn ra những ưu điểm để phát huy.
Có như vậy, chúng ta mới kế tục xứng đáng sự nghiệp của Người, xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong muốn./.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin