Vĩnh Long quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ

06:01, 03/01/2019

Năm 2018, lần đầu tiên Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cũng trong năm qua, Tỉnh ủy tổ chức sơ kết thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), kết quả tỉnh thực hiện đạt và vượt 8/25 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết đại hội.

Năm 2018, lần đầu tiên Vĩnh Long thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cũng trong năm qua, Tỉnh ủy tổ chức sơ kết thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), kết quả tỉnh thực hiện đạt và vượt 8/25 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết đại hội. Đây là tiền đề vững chắc hứa hẹn Vĩnh Long sẽ hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của cả nhiệm kỳ.

Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, tập trung đầu tư phát triển du lịch xứng đáng là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế. Ảnh: Vinh Hiển
Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, tập trung đầu tư phát triển du lịch xứng đáng là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế. Ảnh: Vinh Hiển

Nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) cho thấy, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2018 tăng trên 20% so năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo đó so năm 2015 thì khu vực I giảm 3,36%, khu vực II tăng 3,32% và khu vực III tăng 5,41%.

Thu nhập của nhân dân tăng lên rõ rệt, GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 44,8 triệu đồng, tăng 30% (tăng 10,3 triệu đồng) so với năm 2015.

Ngoài ra, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm chủ lực theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (3 cây: lúa, khoai lang, cây có múi; 3 con: heo, bò, cá các loại).

Chăn nuôi được tổ chức lại theo hướng tập trung và an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Song song đó, đã hình thành các vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và nhiều mô hình sản xuất mới, sử dụng ít diện tích đất, ít lao động, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm... nên đạt hiệu quả kinh tế cao.

Kết quả, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản năm 2018 tăng trên 15% (tăng 3.800 tỷ đồng) so với năm 2015. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 198 triệu đồng/ha, tăng 30% (tăng 47 triệu đồng/ha) so với năm 2015.

Phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào rộng khắp, có tác động tích cực, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn.

Đến cuối năm 2018, có 45 xã đạt nông thôn mới, đạt 50,6% và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nhiệm kỳ.

Ngoài ra, tính đến nay khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và là khu vực có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với mức tăng trưởng bình quân 7,24%/năm và tăng đều trên tất cả các lĩnh vực: nội thương, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu...

Những chỉ số trên có thể xem là tiền đề vững chắc hứa hẹn tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của cả nhiệm kỳ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Đường nông thôn ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) hôm nay.Ảnh: DƯƠNG THU
Đường nông thôn ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) hôm nay..Ảnh: DƯƠNG THU

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng để đạt được chỉ tiêu nghị quyết của cả nhiệm kỳ còn nhiều vấn đề cần phải có quyết tâm để thực hiện.

Theo đó, dù kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa thật vững chắc và đạt thấp so với chỉ tiêu nghị quyết (6,16/7,5%); dự ước còn 10/25 chỉ tiêu chủ yếu sẽ không đạt yêu cầu (6 chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế và 4 chỉ tiêu xã hội).

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần làm rõ những nguyên nhân, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp có tính đột phá, mũi nhọn, khả thi, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, đối với nông sản chủ lực của tỉnh, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay, cần phát triển hướng đến các mục tiêu: giảm giá thành, tăng chất lượng và an toàn thực phẩm, và xây dựng thương hiệu.

Cốt yếu trong thời gian trước mắt là hiệu quả kinh tế và phù hợp với thực trạng sản xuất và trình độ sản xuất của người dân.

Và để thực hiện tốt yêu cầu này, tỉnh cần tập trung các giải pháp: Cung cấp thông tin, mở rộng hiểu biết để nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp 4.0; phát triển các liên kết; thu hút đầu tư vào nông nghiệp; nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp 4.0 phù hợp với từng loại sản phẩm chủ lực trong bối cảnh thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; rà soát lại hệ thống chính sách...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định “Ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng” là một trong 3 khâu đột phá nhằm tập trung nguồn lực để tạo đột phá, qua đó có tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ này, sau gần 3 năm (2016-2018) toàn tỉnh đã huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 36.942 tỷ đồng, tăng bình quân 6,18%/năm.

Ngoài ra, đã triển khai đầu tư 378 dự án/công trình hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với số vốn đầu tư trên 8.700 tỷ đồng.

Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, tạo thêm diện mạo mới và đã góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, trong thời gian tới tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch theo hướng tăng cường tính kết nối, đồng bộ liên vùng, liên ngành, liên tỉnh, tích hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.

Trước mắt, tập trung vào các kết cấu hạ tầng quan trọng như: giao thông, thủy lợi, giáo dục, đô thị, du lịch, xây dựng nông thôn mới, khu- cụm công nghiệp...

Đồng thời, ưu tiên quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc kế hoạch trung hạn 2016-2020, các dự án ODA và các dự án đang triển khai thực hiện bằng các nguồn vốn khác nhau trên địa bàn...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với tình hình khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp như hiện nay, theo ngành nông nghiệp, việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 là hướng đi cần thiết để nền nông nghiệp Vĩnh Long phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.

Để thực hiện được điều này, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, khi tiếp cận bước đầu, không thể đầu tư theo kiểu “dàn hàng ngang” cho tất cả các sản phẩm mà phải tập trung vào trọng tâm để vừa ứng dụng vừa thử nghiệm, khi xác định được hiệu quả mới nhân rộng mô hình.

Tỉnh cần xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 ở các nơi, những sản phẩm có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống, trong đó, đặc biệt chú trọng yếu tố thị trường: sản xuất phải gắn với thị trường.

Phát biểu định hướng cần tập trung thực hiện trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- lưu ý cần tập trung tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp, quyết liệt thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, tập trung đầu tư phát triển du lịch xứng đáng là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, trong đó cần triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; đôn đốc, hỗ trợ thực hiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời, kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp thuê đất nhưng không triển khai, hoặc kéo dài việc triển khai dự án.

Đẩy mạnh mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến rau củ quả, thủy sản.

Theo ông Lê Thanh Tuấn- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để du lịch Vĩnh Long phát triển tương xứng với tiềm năng và là trọng điểm đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch được xem là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, cần thiết phải có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạo tiền đề để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng thương hiệu dựa trên xác định sản phẩm du lịch đặc thù, thông qua đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tăng cường thông tin quảng bá du lịch và giới thiệu hình ảnh đẹp về du lịch tỉnh Vĩnh Long trên các phương tiện thông tin đại chúng...

BÙI THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh