Cánh đồng Chết Choeung Ek là một trong những điểm đến đầy ám ảnh đối về tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot.
Cánh đồng Chết Choeung Ek là một trong những điểm đến đầy ám ảnh đối về tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot.
Cánh đồng Chết Choeung Ek có lẽ là một trong những điểm đến gây ám ảnh ghê rợn nhất đối với bất kỳ ai trong hành trình tìm hiểu tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot – Ieng Sary dưới chế độ Khmer Đỏ.
Đến đây, du khách đều phải đứng lặng hồi lâu trước tòa tháp chất đầy sọ người cao tới đỉnh - minh chứng cho tội ác man rợ của Khơ Me Đỏ- tội ác không dừng lại nếu không có cuộc giải cứu của quân tình nguyện Việt Nam 40 năm về trước.
Ông Chour Sok Ty. |
Ông Chour Sok Ty, Giám đốc Khu di tích Cánh đồng Chết Choeung Ek, khi biết tin có phóng viên Việt Nam tới tìm hiểu đã ngay lập tức thu xếp công việc để đón chúng tôi.
Ông có tình cảm đặc biệt với Việt Nam bởi nếu bộ đội Việt Nam không giúp nhân dân Campuchia giải phóng Phnom Penh vào những ngày này cách đây 40 năm thì có lẽ tòa tháp kia sẽ còn phải xây cao hơn nữa.
Ngồi trò chuyện dưới tán cây trong khuôn viên khu di tích, ông Chour Sok Ty cho biết Choeung Ek chỉ là một trong số khoảng 400 cánh đồng chết ghi dấu tội ác của Khmer Đỏ nằm rải rác trên khắp đất nước Campuchia, những điểm thảm sát này có hàng nghìn hố chôn tập thể của hàng triệu người dân vô tội.
Phải mất vài tháng sau khi bộ đội Việt Nam vào giải phóng Phnom Penh, người ta mới phát hiện ra Cánh đồng Chết Choeung Ek và chứng kiến những cảnh tượng như địa ngục.
Ông Chour Sok Ty cho biết: “Trước đây, mọi người không biết đến nơi này. Sau giải phóng năm 1979, khi nhiều người dân trở về Phnom Penh bị thiếu đói, họ phải đi ra các vùng xa ven đô để kiếm ăn, lúc đó họ mới tìm thấy hàng đống xác người và báo cáo chính quyền”.
Cả một vùng đất rộng lớn vương vãi đầy xác chết, hàng chục hố chôn chồng chất xác người nhô cao như những nấm mồ khổng lồ, từng vùng đất thấm máu người đen kịt.
Tại một gốc cây to ven hồ nước, người ta tìm thấy một đống xác hơn 100 trẻ em và phụ nữ trần truồng, một phần thân cây như lõm lại do bị những kẻ sát nhân cầm người trẻ em đập vào cây đến chết. Xung quanh đó là những hố chôn người bị chặt đầu, chặt chân, tay, có hố chôn chứa tới 450 xác chết.
Sau này, khi các nhà khoa học vào nghiên cứu, người ta mới biết đa số nạn nhân đã phải chịu những cái chết cực kỳ đau đớn, hiếm có hộp sọ nào được tìm thấy lành lặn, đa số trong hơn 8.000 hộp sọ được trưng bày ở tòa tháp trung tâm khu di tích Choeung Ek đều bị thủng, vỡ, rạn.
Lũ ác nhân Khmer Đỏ đã dùng những công cụ thô sơ như gậy gỗ, gậy sắt, dao, cuốc, thuổng… để giết người.
Mỗi ngày, bọn chúng đưa khoảng 300 người đến Choeung Ek để hành quyết, trước khi sát hại chúng còn tra tấn, hành hạ các nạn nhân bằng nhiều cách như cắt tai, chặt tay, chân, đổ hóa chất vào mặt, vào mồm.
Kể đến đây ông Chour Sok Ty ôm mặt bật khóc nức nở, những cảm xúc trong ông đang tuôn trào không thể kìm nén.
Cầm chặt tay chúng tôi một hồi lâu, đôi mắt ông ngước lên những ngọn cây phía xa xăm như muốn kể tiếp về tội ác tày trời của Khmer Đỏ, nhưng miệng ông mím chặt không thể nói nên lời.
Hàng ngày trong suốt 14 năm qua, Chour Sok Ty là người trực tiếp trông nom, gìn giữ từng mảnh hài cốt, những vệt máu, miếng vải quần áo còn sót lại của hơn 20.000 sinh linh bị thiệt mạng tại đây, những tưởng ông đã quen được với sự rùng rợn và chế ngự được cảm xúc của mình, nhưng đôi mắt ông vẫn đỏ hoe bất cứ khi nào nhắc lại về sự tàn bạo của Khmer Đỏ.
Các du khach lặng người khi đến tham quan cánh đồng chết Choeung Ek. |
Dưới thời Khmer Đỏ, chính Chour Sok Ty đã chứng kiến sự tàn ác của lính Khmer Đỏ khi chúng mở rộng địa bàn càn quét, giết người vô tội vào những ngày cuối cùng của chế độ này. Lúc đó, vì người cha già yếu không thể cùng dân làng chạy vào rừng lánh nạn, ông Chour Sok Ty đã quyết định ở lại để bảo vệ cha.
Ông vừa kể vừa khóc: “Tôi… Tôi không bao giờ có thể quên được giây phút khi cha gọi tôi đến và bảo: Con ơi…, con chạy đi, hãy để cha ở lại, nếu có chết thì chỉ mình cha chết thôi.
Khi đó tôi đau lòng lắm. Tôi là một người con trai, và tôi làm sao đành lòng bỏ cha tôi ở lại được? Và tôi quyết tâm không bỏ lại cha. Tôi cầm sẵn con dao để đợi bọn Pol Pot đến”.
May mắn thay, ít ngày sau đó, bộ đội Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đập tan chế độ Khmer Đỏ, giải thoát kiếp nạn cho hàng triệu người dân Campuchia.
Ông Chour Sok Ty sau đó đã được đi học, rồi làm giáo viên. Khi khu di tích Cánh đồng chết Choeung Ek cần tuyển cán bộ quản lý, ông đã quyết định ứng cử.
Ông cho biết muốn làm công việc hiện tại để góp phần gìn giữ di sản, giáo dục cho thế hệ mai sau những bài học đau xót về tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot.
Ông chia sẻ: “Tôi xin cảm ơn những người lính Việt Nam đã cứu giúp tôi thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Tôi sẽ nhớ mãi công ơn những người lính tình nguyện Việt Nam. Nếu như không có ngày 7/1 thì tôi cũng không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào?”
Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện với Chour Sok Ty trong tâm trạng trĩu nặng. Xung quanh, từng nhóm du khách đang chậm bước tham quan khu di tích, ai nấy đều lặng lẽ với vẻ mặt buồn bã, trầm ngâm. Một cặp đôi ngồi im trên ghế đá bên cạnh tòa tháp, họ nắm chặt tay nhau với khóe mắt đỏ hoe.
Chúng tôi cố gắng đi thật nhẹ và chăm chú nhìn kỹ mặt đất khi đặt từng bước chân, trước đó anh bạn hướng dẫn viên đã dặn chúng tôi cẩn thận kẻo dẫm vào những mảnh xương người còn chưa được khai quật.
Bước ra khỏi cổng khu di tích Cánh đồng Chết Choeung Ek khi những tia nắng cuối ngày đang dần tắt, phía xa xa, lũ trẻ con đang mải mê nô đùa trong sân một ngôi trường khang trang.
Trên con đường lớn thẳng tắp đã được trải nhựa, từng đoàn dài xe tải chở hàng hóa nối đuôi nhau chuyên chở phục vụ cho khu công nghiệp gần đó.
Trong lòng chúng tôi thầm nghĩ, sự hy sinh vô cùng to lớn và cao cả của những người lính tình nguyện Việt Nam không hề uổng phí, một Vương quốc Campuchia đã và đang thực sự hồi sinh, phát triển./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin