Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã kết thúc 40 năm rồi nhưng đối với những người trong cuộc, đó như là câu chuyện mới ngày hôm qua.
Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã kết thúc 40 năm rồi nhưng đối với những người trong cuộc, đó như là câu chuyện mới ngày hôm qua.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại tỉnh Kampong Speu. |
Buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979- 7/1/2019), do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức vào sáng 7/1/2019 là dịp hội ngộ “vui mừng khôn xiết”- như lời đầy xúc động của Đại tá Võ Chí Huyện- nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy tiền phương- khi gặp lại các đồng đội đã từng “kề vai sát cánh” trong những năm tháng vô cùng gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.
Đó là những ngày tác chiến tại khu vực biên giới thuộc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), khi mùa nước lũ ngập cả vùng biên cương, đến các trận chiến với địch bằng xuồng ba lá.
Rồi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc, quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có lực lượng vũ trang tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) lại tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia hồi sinh và phát triển.
Theo ông Ngô Ngọc Bỉnh- nguyên Đoàn trưởng Đoàn Chuyên gia (giai đoạn 4) tại tỉnh Kampong Speu, đây là địa phương có diện tích lớn nên bạn không quản lý nổi, do đó ta đề nghị tách địa giới hành chính cấp xã. Từ 57 xã tách thành 80 xã, bộ máy chính quyền cũng được tổ chức đến tận ấp- khóm.
Ngoài ra, do tỉnh Kampong Speu có địa hình rừng núi, đi lại khó khăn nên ta hỗ trợ bạn và huy động hàng vạn dân địa phương khuân vác và dùng xe bò đổ đá, đắp đường, bắc cầu qua suối.
Về lực lượng vũ trang, đến năm 1987, bạn đã có 3 tiểu đoàn và 8 đại đội địa phương quân cấp huyện. Ta tổ chức huấn luyện, giúp bạn từng bước chiến đấu độc lập ở những địa bàn quan trọng và đến năm 1989, bạn đã đủ mạnh thay thế ta hoàn toàn.
Đại đội 1 Tiểu đoàn Cửu Long ngày đêm bám chốt sẵn sàng tương trợ nước bạn Campuchia. Ảnh tư liệu |
Tham dự buổi họp mặt, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- khẳng định: Dù trải qua 40 năm nhưng những chiến tích của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và giúp bạn Campuchia vẫn còn đọng lại trong mỗi chúng ta.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ đã không ngại gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh.
Nhằm tri ân sâu sắc những công lao to lớn trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa mái ấm đồng đội, giúp những quân nhân gặp khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình người có công. Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón tin tưởng với truyền thống đoàn kết, anh dũng, quyết chiến, quyết thắng của quân đội, các đồng chí từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt là quan tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đối với lực lượng vũ trang, sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ và từng bước xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, không phải trải qua những đau thương, mất mát, nhưng qua những câu chuyện về một thời hào hùng, Đại úy Nguyễn Nhật Minh- Chính trị viên Đại đội Trinh sát (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và thế hệ trẻ lực lượng vũ trang tỉnh luôn ý thức và thấu hiểu những hy sinh gian khổ mà cha anh đã trải qua.
Những truyền thống vẻ vang đó sẽ còn mãi âm vang, mà mỗi khi nhắc đến chúng ta không thể nào quên, không bao giờ quên và không được phép quên.
“Chúng tôi sẽ noi gương kiên cường, bất khuất của thế hệ đi trước để viết tiếp trang sử hào hùng của quân đội, làm sáng ngời phẩm chất bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh “người chiến sĩ miền Tây kiên cường, anh dũng” trong thời kỳ mới”- Đại úy Nguyễn Nhật Minh thể hiện quyết tâm.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Được sự giúp đỡ từ đoàn chuyên gia tỉnh Cửu Long, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Kampong Speu đã có sự trưởng thành. Cuối năm 1985, tất cả các xã của tỉnh Kampong Speu đã có đảng viên. Đến cuối năm 1986, đã hoàn thành mục tiêu tất cả các xã đều có chi bộ. Và đây cũng là tỉnh duy nhất vào thời điểm đó làm được điều này. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN PHONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin