Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07:10, 02/10/2018


"Những ai có điều kiện tiếp cận, gặp gỡ, gần gũi với đồng chí Đỗ Mười đều dễ dàng nhận thấy ở đồng chí, một cuộc sống thật giản dị, thanh bạch, khiêm tốn và cả khoan dung độ lượng, một bộ óc sáng suốt đầy trí tuệ vì Đảng, vì dân, vì nước, luôn luôn say mê vì sự nghiệp của nước, của dân, của Đảng." 

 

Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

 

“Những ai có điều kiện tiếp cận, gặp gỡ, gần gũi với đồng chí Đỗ Mười đều dễ dàng nhận thấy ở đồng chí, một cuộc sống thật giản dị, thanh bạch, khiêm tốn và cả khoan dung độ lượng, một bộ óc sáng suốt đầy trí tuệ vì Đảng, vì dân, vì nước, luôn luôn say mê vì sự nghiệp của nước, của dân, của Đảng.” 

Ông Vũ Hữu Ngoạn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Marx-Lenin-Hồ Chí Minh, nguyên Thường trực Ban Chỉ đạo Biên soạn Văn kiện Đảng toàn tập, người có “cơ duyên” được gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười mấy chục năm nay, đã viết về Tổng Bí thư Đỗ Mười như vậy trong bài viết của mình. 

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: "Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của ông Vũ Hữu Ngoạn:

Tôi quê ở Sơn Tây, nhưng trong kháng chiến chống thực dân Pháp lại công tác ở khu Việt Bắc. Ngay từ những ngày khói lửa ấy, tôi đã được biết đồng chí Lê Thanh Nghị và đồng chí Đỗ Mười là những cán bộ lãnh đạo khu III - khu có tỉnh Sơn Tây của tôi, tỉnh được coi là "Bình Trị Thiên" của Bắc Bộ lúc bấy giờ.

Đồng chí Đỗ Mười được Đảng và Bác Hồ đánh giá cao về năng lực vận động quần chúng-một năng lực vô cùng cần thiết đối với một nhà cách mạng.

Phát huy kinh nghiệm Khu III, khi làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy và Tư lệnh Khu Tả ngạn, đồng chí Đỗ Mười đã đích thân bí mật sống trong vùng địch kiểm soát để nắm sát tình hình, chỉ đạo sát cuộc đấu tranh của nhân dân, đã chỉ đạo bộ đội địa phương cùng bộ đội chủ lực chống địchcàn quét đánh vào hậu phương của ta cũng như chủ động đánh phá vào căn cứ của chúng như đánh phá vào Sân bay Cát Bi rất độc đáo và thành công.

Để vận động quần chúng hiệu quả, có nhiều tiêu chuẩn, trong đó trước hết phải nói có sức thuyết phục. 

Khi ở tuổi 80, trên cương vị Tổng Bí thư, có lần, đồng chí Đỗ Mười đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chuyện với hàng nghìn cán bộ cao, trung cấp của Đảng và Nhà nước trong 8 giờ đồng hồ, cả sáng cả chiều, về đường lối, quan điểm của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng - đề tài quan trọng nhưng dễ khô khan. 

Thế nhưng, người nghe không biết chán, càng nghe càng hấp dẫn, càng sôi nổi, nhiệt huyết cách mạng dâng trào. 

Trong thời điểm Liên Xô tan vỡ, chủ nghĩa xã hội cùng phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới tạm thời lâm vào thoái trào mà nghe nói chuyện chính trị được hào hứng như thế thì thật là hiếm có. 

Có thể kể đến hàng chục hàng trăm cuộc tiếp xúc và nói chuyện như thế với cá nhân, với tập thể, kể cả với những vụ khiếu kiện đông người, đều rất thành công. 

Sở dĩ thành công, lời nói có sức thuyết phục cao, vì đồng chí là con người của thực tiễn, đầy ắp thực tiễn, con người của dân, vì dân, chứa chan tình cảm cách mạng, tình đồng chí, nghĩa đồng bào và cả lý luận rất sâu sắc.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (1/5/1990). (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (1/5/1990). (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Tôi được làm quen, gần gũi, rồi tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười mấy chục năm nay. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi phụ trách Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Khi ấy, đồng chí Tố Hữu được phân công làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, đã đưa tôi tham gia nhóm nghiên cứu chiến lược kinh tế do đồng chí phụ trách. 

Đồng chí đã gọi tôi tới nhà riêng nhiều lần để trao đổi về tình hình và lý luận về những vấn đề kinh tế của nhà nước. Do vậy, có vài lần, tôi được tiếp cận đồng chí Đỗ Mười tại nhà đồng chí Tố Hữu. 

Trước và sau Đại hội V của Đảng, tôi đã viết nhiều bài trên Báo Nhân dân, trong đó có các bài: "Cuộc đấu tranh chống tiêu cực," "Cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở nước ta hiện nay," "Kinh tế hàng hóa, kết hợp kế hoạch với thị trường, "Lợi ích kinh tế và thống nhất ba lợi ích”... 

Tôi được mấy người bạn ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng nói lại là đồng chí Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách phân phối lưu thông lúc bấy giờ, đã đọc và tán thành, gửi lời động viên, khích lệ. Tôi rất phấn khởi.

Vào những năm 1987-1988, đồng chí Đỗ Mười làm Thường trực Ban Bí thư, thường triệu tập Thành ủy Hà Nội và các ban của Trung ương đến giao ban.

Đặc biệt trước và sau những ngày lễ, Tết, đồng chí quan tâm lắng nghe phản ánh tình hình tư tưởng và kinh tế-xã hội của Thủ đô. 

Với tư cách là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, khi ấy, tôi có dịp được báo cáo tình hình với đồng chí Đỗ Mười, đồng thời được trực tiếp nghe nhiều ý kiến của đồng chí.

Kể từ tháng 6/1991, đồng chí Đỗ Mười giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, tôi có dịp được tháp tùng đồng chí trong một số cuộc thăm và làm việc ở các địa phương, được đồng chí trực tiếp gặp và trao đổi tại phòng làm việc của Tổng Bí thư ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân.

Do vậy, tôi có dịp hiểu biết thêm phong cách, đức độ, cùng tầm trí tuệ sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười. Cùng một vấn đề, đồng chí trăn trở, suy nghĩ, lật đi lật lại, gợi ý nhiều lần, đặt câu hỏi nhiều lần cho nghiên cứu, với thái độ rất cởi mở, dân chủ, lắng nghe. 

Đồng chí rất coi trọng thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, khích lệ đổi mới tư duy, đồng thời cũng rất coi trọng nguyên tắc. Tôi thấy mình được trưởng thành và sắc bén thêm nhiều về chính trị, tư tưởng, lý luận.

Đồng chí Đỗ Mười ít khi đọc bài viết sẵn mà thường nói vo. Người ta thấy đồng chí nói vo nhưng rất chặt chẽ, logic, sinh động, càng sôi nổi, càng nói càng hay, càng cuốn hút người nghe.

Còn về những bài viết, những dự thảo văn kiện, đồng chí thường góp ý kiến về nội dung, trước khi dự thảo văn kiện. Đồng chí có thói quen xem xét rất tỉ mỉ, cặn kẽ, chú ý từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy, đảm bảo tính chính trị thực tiễn và phù hợp với yêu cầu phát triển sáng tạo lý luận.

Noi gương các đồng chí Tổng Bí thư tiền bối, đồng chí Đỗ Mười với cương vị Tổng Bí thư đã là người đứng đầu thể hiện tính tiên phong của Đảng về phương diện tư tưởng, công tác lý luận. Có lý luận để dẫn đường, để làm cơ sở cho đường lối, quan điểm, chính sách và tổ chức hành động đúng đắn. 

Chỉ trong thời gian ngắn, đồng chí Đỗ Mười đã để lại dấu ấn sâu sắc cho những quan điểm, chính sách và thái độ đúng đắn như: phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ ngoại lực, hội nhập mà không hòa tan, đa phương hóa đa dạng hóa trong hoạt động đối ngoại.

Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Mỹ; xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát huy dân chủ cơ sở để làm cho Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước.

Sau khi thôi nhiệm vụ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã nói với tôi: "Chú cộng tác với tôi, cùng nhau nghiên cứu những vấn đề lý luận, về mô hình chủ nghĩa xã hội của nước ta, về đường lối quan điểm và chính sách của Đảng....” 

Tổng Bí thư Đỗ Mười với thiếu nhi trường PTTH An Thạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (28/9/1996). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười với thiếu nhi trường PTTH An Thạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (28/9/1996). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)


Vì vô cùng quý trọng và cảm phục đồng chí Đỗ Mười, tôi đã sẵn sàng và dốc lòng thực hiện. Do vậy, tôi càng có dịp tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười, hàng ngày, hàng tuần, nhiều khi ngoài giờ, có khi cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Tôi cảm động và càng quý trọng đồng chí. Tôi nghĩ rằng, đồng chí Đỗ Mười là một trong số những người đứng hàng đầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nói chung cả hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trước hết, đó là tấm gương mẫu mực-cần, kiệm, liêm, chính. Một năm có 365 ngày, trừ lúc ốm đau, còn lại đồng chí Đỗ Mười không nghỉ làm việc một ngày nào. Ý chí và sức làm việc như vậy, tôi nghĩ người trẻ, người khỏe cũng khó theo kịp.

Tôi cũng thầm nghĩ, thật là hạnh phúc cho Đảng và nhân dân khi có một đồng chí lãnh đạo cao nhất nghỉ công tác mà nhiều cán bộ và nhân dân vẫn lui tới thăm hỏi, trao đổi ý kiến. Ở đây không phải là quyền lực mà là uy tín, đạo đức và trí tuệ. Đó cũng là phần thưởng cao quý không kém gì huân huy chương.

Khi đương chức cũng như khi nghỉ công tác, đồng chí Đỗ Mười thường mong sao nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta tiết kiệm để đầu tư cho phát triển. 

Đồng chí thường nhận xét, hiện nay có một bộ phận trong xã hội tiêu dùng vượt quá trình độ của nền kinh tế. Đồng chí lo lắng nhiều về tình trạng lãng phí tài nguyên, đặc biệt là là đất đai - thứ tư liệu sản xuất quý nhất của nước ta. 

Đồng chí cho rằng, những kỳ cuộc khai trương, khởi công, khánh thành, lễ hội là cần thiết, chi phí cho nó là cần thiết, song hiện nay quá nhiều, còn tình trạng phô trương hình thức, rất lãng phí.

Trong một chuyến thăm nước ngoài, nước bạn tặng đồng chí 1 triệu USD để xây trường cho các cháu vì biết đồng chí rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Khi về nước, đồng chí đã báo cáo Bộ Chính trị, rồi chuyển cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, đề nghị trang bị cho một số trường học, tốt nhất là có các trường học cả 3 miền của đất nước, sao cho thật ý nghĩa. 

Đồng chí Đỗ Mười có một con trai và một con gái, đương nhiên có dâu có rể và có các cháu nội, cháu ngoại, các chắt. Tôi nhận thấy các con, các cháu của ông đã tự rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, không ỉ vào quyền lực của cha.

Tôi thật sự quý trọng và cảm phục đồng chí, có thể nói cần, kiệm, liêm, chính đã thành nếp sống, thành máu thịt của đồng chí Đỗ Mười, mà con người đã cần, kiệm, liêm, chính tất yếu cũng chí công vô tư.

Đồng chí Đỗ Mười sớm tham gia hoạt động cách mạng. Để bù lại, đồng chí đã xả thân trong phong trào cách mạng của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, "đánh Đông dẹp Bắc," đâu khó là có mặt, là người "đốc chiến đốc thắng.” 

Đồng chí là một tấm gương suốt đời học tập, tự học tập nâng cao trình độ hiểu biết. Về phương tiện này, đồng chí đã tiếp thu được giáo huấn của Lenin: Học, học nữa, học mãi.

Nhà đã ít phòng và không lớn, đồng chí vẫn dành một phòng để làm thư viện lưu trữ hàng vạn tài liệu, sách. Khi còn công tác cũng như khi đã nghỉ, đồng chí luôn luôn miệt mài đọc sách. 

Đồng chí thường trích những ý hay, ý đúng của sách để gửi cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tham khảo. 

Bộ sách Tư bản luận của Marx dày là thế, mà thấy bút tích đánh dấu của đồng chí Đỗ Mười ở rất nhiều trang, có khi ở chương nói về hàng hóa, có khi ở chương nói về tín dụng, ngân hàng, lại có khi về chương địa tô... 

Những dấu vết chì màu đỏ, màu vàng, màu xanh đồng chí Đỗ Mười đã để lại ở rất nhiều sách, đặc biệt ở các sách kinh điển và Hồ Chí Minh.

Nhờ tổng kết thực tiễn và đọc sách, đồng chí đã trao đổi không biết bao nhiêu lần về lý luận với các cán bộ cao cấp, với các cán bộ lý luận. 

Đồng chí Đỗ Mười đã nhiều lần nói về một sắc lệnh của Bác Hồ ký năm 1947 có câu: "Các doanh nghiệp phải chia lãi cho công nhân.” 

Đây là vấn đề rất sâu về lý luận và thực tiễn. Lý luận của chủ nghĩa Marx đã chỉ rõ tiền lương công nhân, về hình thức thì do chủ doanh nghiệp trả (nếu là quốc doanh thì do Nhà nước trả), nhưng thực chất là công nhân lĩnh cái do chính mình làm ra. Cả tiền lãi cũng do công nhân tạo ra, chứ không phải do tiền tự "chửa đẻ" mà có. Vì thế, chia lãi cho cả công nhân mới là công bằng.

Đồng chí Đỗ Mười đã từng chỉ ra không biết bao nhiêu lần với biết bao nhiêu cán bộ lãnh đạo về lời dạy của Hồ Chủ tịch rằng, nước muốn độc lập ắt phải có công nghiệp nặng. Trong đó có vai trò quan trọng của cơ khí, để phát triển công nghiệp, cải tạo kỹ thuật trong nông nghiệp, xây dựng công nghiệp quốc phòng. 

Đồng chí thường nhận xét hiện nay ta mới chú trọng cơ khí lắp ráp, mà thực chất đó là gia công cho nước ngoài, chứ ít quan tâm xây dựng và phát triển cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí nặng.

Trong các bài viết, bài nói của mình, đồng chí Đỗ Mười thường nhắc đến luận điểm của Bác Hồ về nhiều thành phần kinh tế và Bác chỉ rõ ràng "Kinh tế quốc doanh là sở hữu toàn dân, vì thế nó phải giữ vai trò lãnh đạo và Nhà nước phải có chính sách ưu tiên cho nó phát triển.”

Là người đề xuất chủ trương cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước nhưng đồng chí vẫn lưu ý có sự khác nhau giữa cổ phần hóa tư bản chủ nghĩa và cổ phần hóa xã hội chủ nghĩa, mà đối với chúng ta là thực hành chủ trương và chính sách cổ phần hóa xã hội chủ nghĩa. Đấy là vấn đề vô cùng mới mẻ về lý luận và thực tiễn.

Tôi còn nhớ hậu quả của chế độ bao cấp lâu ngày dẫn đến thiếu động lực phát triển, thiếu hàng hóa, lạm phát tăng lên trên 700%, giá cả tăng lên vùn vụt từng ngày.

Khi giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã thực hành chính sách một thị trường, chuyển cơ chế hai giá sang cơ chế một giá, bù giá vào lương, bỏ chế độ tem phiếu và sổ mua hàng, sổ mua lương thực, không phát hành thêm tiền mà nâng lãi suất tiền gửi ngân hàng để thu tiền về. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, sinh viên công tác và học tập ở nước ngoài mang hàng về nước, miễn thuế...

Những chính sách và biện pháp đó cùng với đẩy mạnh sản xuất, trước hết là lương thực theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, đã góp phần nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Ở đây nhiều vấn đề lý luận khá phong phú, đa dạng mà chúng ta đang nghiên cứu.

Những ai có điều kiện tiếp cận, gặp gỡ, gần gũi với đồng chí Đỗ Mười đều dễ dàng nhận thấy ở đồng chí, một cuộc sống thật giản dị, thanh bạch, khiêm tốn và cả khoan dung độ lượng, một bộ óc sáng suốt đầy trí tuệ vì Đảng, vì dân, vì nước, luôn luôn say mê vì sự nghiệp của nước, của dân, của Đảng. 

Đồng chí Đỗ Mười là một người học trò xứng đáng của Bác Hồ, một con người mà tôi vô cùng quý trọng và cảm phục./.

Theo VŨ HỮU NGOẠN (TTXVN/VIETNAM+) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh