Ngày 29/10/2018, đóng góp tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đã có một số đề xuất, kiến nghị về vần đề này.
Ngày 29/10/2018, đóng góp tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Phạm Tất Thắng (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đã có một số đề xuất, kiến nghị về vần đề này.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, để thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn nửa sau nhiệm kỳ, về danh mục dự án đầu tư, hiện nay với nguồn ngân sách có hạn, chúng ta cần phải tập trung đầu tư, tránh hiện tượng dàn trải, đầu tư vào các dự án hiệu quả thấp.
Vì vậy, đề nghị cần rà soát lại danh mục đầu tư dự án, đặc biệt đối với các dự án điều chỉnh lại quy mô, dự án đã được cấp vốn hay các dự án đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đưa vào danh mục dự án đầu tư để lấy tiền trả nợ hoặc dự án chưa được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền. Các dự án kiểu này phải được rà soát, cân nhắc kỹ trước khi đưa vào danh mục dự án đầu tư công trong giai đoạn tới.
Về nguồn vốn đầu tư, qua theo dõi, tôi cho rằng chúng ta phải xem xét lại các dự án có tổng mức đầu tư lớn, tuy nhiên việc bố trí vốn lại nhỏ giọt. Với các dự án kiểu này, hiệu quả đầu tư thấp mà chúng ta đã có bài học thực tiễn trong giai đoạn trước nên tạm thời chưa đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn.
Bình quân 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, mỗi năm chúng ta phải bố trí ngân sách trung ương khoảng 237.000 tỷ đồng. Đây là mức vốn cân đối khó khăn, bởi vậy đề nghị Chính phủ rà soát, tập trung dồn lực đầu tư hiệu quả ngay, hạn chế việc đầu tư dàn trải.
Ngay cả khi các dự án có vốn đối ứng cũng cần phải xem xét lại, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Với nguồn ngân sách hạn chế hiện nay, chúng ta phải cân nhắc trong đầu tư, tránh tạo sức ép cho ngân sách.
Chính phủ cần có biện pháp cân đối để đảm bảo về nguồn vốn đối ứng. Một số địa phương có ký kết các hiệp định nhận các khoản viện trợ của nước ngoài để đầu tư phát triển, nhưng đến khi triển khai thì lại không cân đối được nguồn vốn để đối ứng.
Tôi cho rằng trước khi ký kết, chúng ta cần phải dự kiến nguồn vốn để đối ứng trước, tránh tình trạng phát sinh các dự án sau khi đã được phê duyệt các danh mục đầu tư như giai đoạn 2016 – 2020. Đề nghị Chính phủ không đứng ra bảo lãnh khi chưa bố trí đủ vốn đối ứng, hạn chế việc tạo thêm gánh nặng cho nợ công.
Về tiếp tục đầu tư cho các dự án dang dở, hiện nay, chúng ta có rất nhiều dự án còn đang dang dở, nhiều dự án đầu tư với số vốn khá lớn nhưng hiệu quả hoạt động dự án lại thấp, thậm chí nhiều dự án không đi vào hoạt động. Đối với các dự án này, chúng ta phải rà soát cẩn trọng, đánh giá thêm về tính khả thi của dự án.
Dự án nào có khả năng phát huy kết quả sau khi hoàn thành, cần đầu tư thêm thì chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư. Dự án nào khả năng đem lại hiệu quả thấp thì phải cương quyết dừng, tránh để lãng phí nguồn lực.
Về phân bổ ngân sách dự án cho các địa phương, tôi thấy việc phân bổ còn chưa thực hiện rõ ràng, các tiêu chí còn chung chung, chưa cụ thể, thời gian giao vốn còn chậm, giao nhiều lần, thiếu tính ổn định làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tiến độ giải ngân, dẫn đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư thấp. Nhiều nơi, nhất là dự án do cấp xã thực hiện khi nguồn vốn về đến nơi đã chậm 4, 5 tháng.
Sau đó lại bị chi phối bởi thời tiết bất lợi nên tiến độ giải ngân thấp là đương nhiên. Tôi cho rằng cần phải xem xét, rà soát lại quy trình, thủ tục, thời gian phân bổ vốn sớm, hạn chế tình trạng phân bổ chậm như hiện nay.
Về tiến độ thực hiện các dự án, đề nghị Chính phủ kiên quyết chỉ đạo hoàn thành các dự án đã phê duyệt theo kế hoạch, tránh tình trạng để trễ tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành dự án, dẫn đến việc đội vốn, gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp trong quản lý đầu tư công như một số dự án trong thời gian vừa qua (cảng hàng không quốc tế Long Thành; một số đoạn, tuyến trên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông…).
Đề nghị Chính phủ cân đối, bố trí đúng, đủ, kịp thời nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt, đồng thời, chỉ đạo việc triển khai dự án theo đúng kế hoạch.
Ngoài ra, cần chú trọng tới các dự án có phạm vi ảnh hưởng rộng, trực tiếp đến cuộc sống của người dân như các dự án làm hạ tầng.
Đối với các dự án này, trước khi triển khai dự án cần phải tuyên truyền cho người dân về mục đích, ý nghĩa, kết quả về hiệu quả của dự án. Khi người dân hiểu, có sự đồng thuận tôi cho rằng việc triển khai dự án sẽ thuận lợi hơn nhiều.
TÂM THI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin