Đề nghị Chính phủ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp

05:10, 26/10/2018

Ngày 26/10/2018, trong phiên thảo luận ở hội trường kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016- 2020; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế… đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến về các nghị quyết này.

Ngày 26/10/2018, trong phiên thảo luận ở hội trường kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016- 2020; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế… đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến về các nghị quyết này.

*Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh 

Tôi thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những nhận định, đánh giá chung, thành tựu và hạn chế về về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. 

Tuy nhiên trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục vì hiện nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa thật sự hiệu quả.

Theo đó, số lượng và chất lượng đào tạo nghề ở nước ta còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và khu vực nên số lượng lớn thanh niên học sinh đến tuổi lao động nhưng chưa được đào tạo nghề hoặc đào tạo chưa chất lượng gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.

Việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách đồng bộ nên hoạt động của các trung tâm còn nhiều bất cập. Các trung tâm còn chồng chéo trong công tác quản lý vì mỗi trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo của ba đơn vị ở hai cấp khác nhau, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo chuyên môn dạy nghề; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; UBND huyện quản lý về tài chính, nhân sự, thi đua.

Chế độ chính sách của giáo viên chưa thống nhất, cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn văn hóa được hưởng phụ cấp ưu đãi còn giáo viên dạy nghề thì không được hưởng.

Vì vậy hoạt động của các trung tâm gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được hiệu quả hoạt động khi sáp nhập. Đề nghị đánh giá đúng chức năng, nhiệm vụ của trung tâm để bổ sung hoàn thiện các quy định, phù hợp với yêu cầu hiện nay trong giáo dục và đào tạo nghề.

Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” là một chủ trương đúng đắn.

Đề nghị Chính phủ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp, theo đó cần thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển sang đào tạo theo địa chỉ, theo định hướng, theo đặt hàng, theo nhu cầu dự báo của thị trường lao động.

Song song đó cần phải tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động sẵn sàng và đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo dạy nghề.

Cả nước mỗi năm có khoảng 200.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học trung học phổ thông, trong đó số lượng không nhỏ vào thị trường lao động. Trong năm học qua, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không học đại học. Đây là những đối tượng cần quan tâm, phân luồng đào tạo nghề từ THCS để tránh lãng phí lãng phí về kinh tế và nguồn lực xã hội.  

*Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang

Tôi cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ  về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2018, giữa kỳ giai đoạn 2016- 2020. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, tôi còn một số băn khoăn xin được đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm.

Theo đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo báo cáo đến tháng 9/2018 mới đạt 62%, đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 63 của Chính phủ vào cuối năm 2018.

Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 76 của Quốc hội, đã đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng, song cũng bộc lộ nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện.

Đề nghị Chính phủ lãnh đạo các bộ, ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ những vướng mắc trong bố trí vốn, thẩm định, giải ngân vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; rà soát điều chỉnh bộ tiêu chí đo lường chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều để quy trình rà soát thống kê, nhận diện hộ nghèo luôn đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng.

Trên lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), cử tri các tỉnh ĐBSCL ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai nhiều giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng BĐKH.

Hiện nay, vùng ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh kế của hàng triệu hộ dân.

Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục có sự quan tâm ưu tiên đặc biệt trong phân khai nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL ứng phó với BĐKH, xử lý và khắc phục hậu quả sạt lở đảm bảo an sinh cho hơn 20 triệu dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

TÂM KIỀU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh