Cần đẩy mạnh yếu tố liên kết vùng trong phát triển kinh tế

06:10, 24/10/2018

Ngày 24/10/2018, trong phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018; ngân sách nhà nước hằng năm; đánh giá giữa kỳ về cơ cấu lại nền kinh tế… các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp.

Ngày 24/10/2018, trong phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018; ngân sách nhà nước hằng năm; đánh giá giữa kỳ về cơ cấu lại nền kinh tế… các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp.

* Đại biểu Lưu Thành Công

Từ ý kiến kiến nghị của cử tri, tôi xin nêu lên một số vấn đề còn tồn tại, bất cập, những điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thời gian tới. 

Theo đó, đối với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011- 2020 được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ cũng có kế hoạch rất cụ thể để thực hiện.

Trong kế hoạch này, có một nội dung là cơ cấu lại nền nông nghiệp và thời gian qua đạt một số kết quả ấn tượng, như năm 2018 xuất khẩu nông nghiệp đạt 41 tỷ USD và dự báo có thể đạt 44 tỷ USD vào cuối năm- đây là con số ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của người nông dân thì nền nông nghiệp chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nó.

Điển hình như vùng ĐBSCL được các chuyên gia đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng nhưng hiện này lại phát triển chậm so các vùng khác. Một trong số các nguyên nhân là do giao thông phát triển chưa đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất công nghệ cao còn rất chậm, và còn là vùng trũng về trình độ văn hóa…

Ngoài ra, người dân trong vùng còn cho rằng sản xuất nông nghiệp hiện còn nhiều rủi ro vì yếu tố thị trường, người dân liên tiếp “kêu cứu”, mô hình kinh tế tập thể còn yếu…  

Từ thực trạng trên, cử tri yêu cầu Chính phủ cần cung cấp thông tin trong sản xuất nông nghiệp để họ nắm bắt và chủ động trong sản xuất, vì hiện nay người dân rất thiếu thông tin.

Một vấn đề nữa là việc tích tụ ruộng đất, chúng ta nên sửa Luật Đất đai để phù hợp với điều kiện hiện nay, theo đó Chính phủ cần xác định rõ nên cấm việc tích tụ ruộng đất để kinh doanh, cho thuê theo kiểu hình thành nhóm địa chủ kiểu mới và tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất để thực hiện sản xuất lớn.

Để tăng tính hiệu quả của sản xuất của người nông dân chúng ta cũng không nên quy định mức hạn điền nữa và phải tiến hành càng nhanh càng tốt.

Một trở ngại trong sản xuất nông nghiệp nữa là tư duy kinh tế nhỏ, riêng lẻ vẫn còn phổ biến. Hiện nay, có thực tế trong cùng một vùng nhưng mạnh ai nấy phát triển, thiếu sự liên kết, việc phân bổ nguồn lực của Chính phủ cũng riêng lẻ chứ không có chung cho một vùng, vì thế việc liên kết vùng trong phát triển kinh tế vẫn còn chậm.

Tôi đề nghị, Chính phủ cần theo dõi và đẩy mạnh việc phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch được phê duyệt, trong đó xây dựng cho được kết cấu hạ tầng chung nhất là giao thông, đào tạo sử dụng nguồn lực, hình thành thị trường lao động, giải quyết ô nhiễm môi trường… nếu chúng ta thực hiện tốt vấn đề này sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Một vấn đề xã hội đang nổi lên hiện nay là hoạt động “tín dụng đen” đã và đang len lỏi đến các khu nhà trọ, các giảng đường đại học, đến tận các vùng nông thôn sâu… gây bất an cho người dân cũng như ảnh hưởng đết trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động “tín dụng đen” hay còn hiểu là cho vay nặng lãi đã có quy định cụ thể trong Luật Hình sự, lẫn Luật Dân sự nhưng cử tri phản ánh chính quyền các địa phương chưa mạnh tay vào cuộc xử lý các trường hợp này. Đề nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo các địa phương “triệt tiêu” hình thức cho vay nặng lãi, trả lại cuộng sống yên bình cho người dân. 

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh

Về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong 12 chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.   

Đóng góp cụ thể về lao động, thời gian qua việc chuyển dịch cơ cấu lao động đã diễn biến theo hướng tích cực, tuy nhiên, lao động phổ thông vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, thiếu lao động giỏi, chuyên gia đầu ngành; việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường vẫn còn khó khăn; năng suất lao động tuy có chuyển biến, nhưng chưa được như kỳ vọng...

Thời gian tới đề nghị Chính phủ sẽ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển sang đào tạo theo địa chỉ, theo định hướng, theo đặt hàng, theo nhu cầu dự báo của thị trường lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo dạy nghề.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự phối hợp thật chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện tốt phân luồng, định hướng vào đào tạo ngay từ trường phổ thông để tránh lãng phí về thời gian và lực lượng lao động rất lớn.

TÂM KIỀU THI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh