Cần có sự thống nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy

09:10, 27/10/2018

Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế- xã hội năm 2018 và phương hướng năm 2019 cùng các nghị quyết của Quốc hội (trong 2 ngày 26- 27/10/2018), có nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy; vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu…

 

Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế- xã hội năm 2018 và phương hướng năm 2019 cùng các nghị quyết của Quốc hội (trong 2 ngày 26- 27/10/2018), có nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy; vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đối với y tế, giáo dục cần phải tạo ra đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất có thể.
Đối với y tế, giáo dục cần phải tạo ra đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất có thể.

Mỗi nơi làm mỗi kiểu

Đóng góp tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với việc thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết của Quốc hội. Có thể nói đây là chủ trương chính sách đúng đắn, phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế của bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể.

Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và rất lúng túng. Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân ra diện rộng.

Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy còn nặng tính cơ học.

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (tỉnh Phú Thọ), việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước, việc sáp nhật các phòng ban, sở, ngành, một số tổ chức chính trị- xã hội và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật. Tôi đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo để thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Về vấn đề tinh giản biên chế, đây là vấn đề rất nóng thời gian qua. Đối với tinh giản biên chế công chức, theo nhiều đại biểu là có nhiều thuận lợi, nhưng giản biên chế viên chức sự nghiệp nhất là viên chức giáo dục thì thời điểm này cần có lộ trình và phải cân nhắc kỹ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, vừa qua ở 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thiếu, thừa cục bộ giáo viên, thiếu khoảng 76.000 người, riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. 

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai), việc tinh giản biên chế, sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên thực sự ở nhiều tỉnh, nhưng bắt buộc vẫn phải cắt hợp đồng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là sự vận dụng cứng nhắc, máy móc, không thực tế, vừa gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên và hại đơn, hại kép, trước mắt cũng như lâu dài. 

Vấn đề đặt ra với y tế, giáo dục là phải tạo ra đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất có thể. Chúng ta không thể gộp điểm trường ở các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa để các cháu phải đi học quá xa nhà.

Chúng ta không thể để tình trạng nhồi nhét 50, 60 học sinh trên lớp mà phải nhanh chóng xử lý bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Tất nhiên phải có tầm nhìn dài hạn để giải quyết những hậu quả sau này.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương được quyền chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải về công việc, đồng thời đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư vào giáo dục, y tế ở những nơi, lĩnh vực có điều kiện.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (tỉnh Hải Dương) cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất các cơ quan đảng với cơ quan nhà nước có chức năng và nhiệm vụ tương đồng.

Việc cải cách đổi mới bộ máy hành chính nhà nước là một công việc khó khăn phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lực, quyền lợi của nhiều tập thể và cá nhân và không khỏi phát sinh tư tưởng.

Vì vậy, đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và xã hội, nhất là đối với những người có lợi ích liên quan. 

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu), việc tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một, ngày hai. Đây là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm.

Song, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ rằng, ngân sách nhà nước hay nói cách khác, tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước, số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh, vậy còn đâu để đầu tư phát triển.

Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương thực hiện lộ trình sáp nhập thôn, xã, huyện với mục đích tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và số người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư. Theo tiêu chuẩn quy định thì hiện nay có rất ít xã đạt đủ tiêu chí vì điều kiện kinh tế, văn hóa, dân số, vị trí địa lý, diện tích... Việc sáp nhập ở một số nơi sẽ thuận lợi, nhưng ở rất nhiều nơi gặp khó khăn về xử lý chính sách cán bộ, về giấy tờ công dân, về cơ sở vật chất, phong tục tập quán, văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là dân số và diện tích. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc sáp nhập này.

Cần nhanh chóng với phương án thích ứng biến đổi khí hậu

Theo các đại biểu, biến đổi khí hậu (BĐKH) nước biển dâng đang diễn ra hết sức nhanh chóng và hiện hữu hàng ngày đối với các tỉnh ĐBSCL.

Mặc dù chưa đến thời gian đỉnh điểm của triều cường nhưng nhiều tháng nay trên tuyến QL1 đoạn Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, thậm chí có cả một số đô thị khá xa biển như thành phố Long Xuyên cũng bị ngập sâu trong nước.

Tình hình nước biển dâng làm vỡ đê, vỡ bờ bao các diện tích, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đang diễn ra hàng ngày, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn hộ nông dân.

Cử tri mong muốn các dự án ứng phó với BĐKH cần thực hiện nhanh để hạn chế những thiệt hại đang diễn ra từng ngày.
Cử tri mong muốn các dự án ứng phó với BĐKH cần thực hiện nhanh để hạn chế những thiệt hại đang diễn ra từng ngày.

Việc ứng phó BĐKH vùng  ĐBSCL là vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, kiến nghị trong nhiều kỳ họp.  

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu), Chính phủ cũng có Nghị quyết 120 trong đó có nhiều giải pháp để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng với BĐKH nhưng qua theo thì dõi việc triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả, trong khi tác động của BĐKH ngày càng nặng.

Theo đại biểu, cử tri đang cần những hành động quyết liệt hơn để kịp thời giải ngân, khắc phục hậu quả và ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Để thực hiện vấn đề này, đại biểu đề nghị cần có nguồn lực, và đồng tình cao với đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cần bố trí thêm 10 ngàn tỷ từ nguồn vốn còn lại của dự án quan trọng quốc gia chưa sử dụng để phân bổ cho các dự án BĐKH, xử lý sạt lở, phòng, chống thiên tai.

Theo đại biểu Trần Trí Quang (tỉnh Đồng Tháp), Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH là một nghị quyết vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ĐBSCL.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, việc triển khai còn chậm, nhất là việc xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng làm khó khăn cho quy hoạch ngành và địa phương.

Đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo kiểm tra, tổ chức thực hiện Nghị quyết 120. Có như thế nghị quyết này mới sớm tổ chức, triển khai thực hiện, sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của 20 triệu dân trong vùng làm bật lên những tiềm năng, kỳ vọng như Chính phủ mong muốn.

Đối với vấn đề này, đại biểu cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, thích ứng với BĐKH; tập trung nguồn lực để từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng quy duyệt.

Trong đó, ưu tiên đầu tư trước các công trình tích hợp có thực hiện giải pháp nâng cao khả năng chống chịu BĐKH và nước biển dâng. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL phải tính đến việc kết nối đồng bộ của hệ thống giao thông trong vùng vốn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Hiện nay, cả vùng chỉ có tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương với hơn 40 km được đưa vào sử dụng và tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai thi công.  

BĐKH có thể khiến một hộ từ hộ khá giàu trở thành hộ nghèo chỉ sau vài giờ vì mất trắng các loại nông, hải sản do vỡ đê, vỡ bờ bao mà ra.

Với tác động ngày càng gay gắt và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn đối với đời sống của nhân dân việc triển khai nghị quyết 120 của Chính phủ đầu tư cho các dự án ứng phó với BĐKH xử lý sạt lở bờ sông, suối, bờ biển, phòng tránh khắc phục thiên tai cần thực hiện nhanh và quyết liệt hơn nữa.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu), nhìn ra các nước láng giềng trong khu vực, nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số đông hơn 15 lần, nhưng chỉ có 33 đơn vị hành cấp tỉnh, thành phố. Có nước được hình thành bởi gần 7.000 hòn đảo, dân số hơn 120 triệu cũng chỉ 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Nước ta khi bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 cũng chỉ 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Trong chúng ta chắc nhiều người còn in đậm dấu ấn và kỷ niệm một thời Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Bình trị Thiên, Sông Bé... Thực tế, gần đây bài học kinh nghiệm quý báu sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính khi sát nhập Hà Nội, Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bài, ảnh: TÂM THI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh