Niềm tự hào cho thế hệ mai sau

05:09, 13/09/2018

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã đóng góp rất lớn cho cách mạng Việt Nam và để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học về sự say mê khoa học, sự sáng tạo của bản thân cũng như sự đóng góp vô điều kiện cho quê hương đất nước.

Cuộc đời GS.VS, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1913- 9/8/1997) là một trang sử chói lọi, hào hùng ở những lĩnh vực học thuật, sáng tạo và sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã đóng góp rất lớn cho cách mạng Việt Nam và để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học về sự say mê khoa học, sự sáng tạo của bản thân cũng như sự đóng góp vô điều kiện cho quê hương đất nước.

Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác Tổng cục Công nghiệp quốc phòng  (Bộ Quốc phòng) đến thăm Khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa (ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vào tháng 8/2015.Ảnh: KHÁNH DUY
Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đến thăm Khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa (ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vào tháng 8/2015.Ảnh: KHÁNH DUY

Trần Đại Nghĩa- nhà khoa học anh hùng

GS.VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Mồ côi cha lúc 6 tuổi, được mẹ và chị tần tảo nuôi ăn học, Phạm Quang Lễ luôn ghi nhớ lời căn dặn cuối cùng của cha trước lúc đi xa: “... phải lo học hành đến nơi đến chốn,... phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”.

Giữa năm 1933, người thanh niên thông minh, giàu nghị lực Phạm Quang Lễ thi đỗ đầu 2 bằng tú tài. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm để giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ.

2 năm sau đó, một Việt kiều trí thức yêu nước đã tận tâm giúp đỡ, vận động Hội Ái hữu của Trường Chasseloup-Laubat cấp học bổng cho Phạm Quang Lễ.

Tháng 9/1935, ông lên tàu thủy đi Pháp du học. Sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng lúc 3 bằng ĐH kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện tử, cử nhân toán học. Sau đó ông lấy tiếp bằng kỹ sư hàng không, bằng của trường mỏ và Trường ĐH Bách khoa. 

Từ năm 1936, khi còn học tập ở Pháp, sinh viên Phạm Quang Lễ đã được nghe và biết đến tên tuổi Nguyễn Ái Quốc. Và từ thời điểm này, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã định hướng về mặt chính trị cho người thanh niên Phạm Quang Lễ.

Sau 11 năm học tập, sinh sống và làm việc tại Pháp, năm 1946, Phạm Quang Lễ theo Bác Hồ về Việt Nam.

Sau khi về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ được giao trực tiếp lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu Bazoka của Mỹ, với 2 viên đạn do GS Tạ Quang Bửu cung cấp.

Đầu tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mời kỹ sư Phạm Quang Lễ đến Bắc Bộ phủ, tại đây Người đã trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới và đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa- chính thức bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng với sáng tạo vẻ vang của ngành chế tạo vũ khí, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.

Cảm tưởng của một học viên Trường CĐ An ninh Nhân dân II.
Cảm tưởng của một học viên Trường CĐ An ninh Nhân dân II.

Trong điều kiện thiếu thốn, Trần Đại Nghĩa đã cùng các đồng chí xây dựng ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới, trong đó nổi bật nhất là súng Bazoka, súng không giật SKZ, bom phóng, đã góp phần quan trọng để quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.

Chính kiến thức học được, chính sự sáng tạo, kiên trì đã giúp cho cái tên Trần Đại Nghĩa đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam.

Với những cống hiến vẻ vang, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ở Việt Bắc năm 1952, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và là 1 trong 7 Anh hùng Lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trần Đại Nghĩa cũng là người đứng đầu nhiều cơ quan quan trọng của Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Quốc phòng.

Năm 1996, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật cho cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (súng Bazoka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.

Các công trình nghiên cứu của ông đã được quốc tế đánh giá cao, được ứng dụng rộng rãi trong quân đội và chính từ đấy, trong lòng người dân ông đã là “nhà khoa học anh hùng”.

Niềm tự hào trên quê hương đổi mới

Thuyết minh viên Phan Thị Mỹ Xuân giới thiệu với khách tham quan khu lưu niệm cố GS.VS Trần Đại Nghĩa.
Thuyết minh viên Phan Thị Mỹ Xuân giới thiệu với khách tham quan khu lưu niệm cố GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Phan Thị Mỹ Xuân- thuyết minh viên tại Khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa- nói lên suy nghĩ: Được tiếp xúc, giới thiệu tấm gương học tập, sáng tạo, đạo đức cách mạng của GS.VS Trần Đại Nghĩa với du khách, đã cho tôi thêm nhiều tự hào và động lực trong cuộc sống. Đó là điều kiện để bản thân cố gắng học tập, làm việc hiệu quả.

Học sinh dưới mái trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình).
Học sinh dưới mái trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình).

Nguyễn Thị Minh Thơ cũng công tác tại khu lưu niệm nói: Là người trẻ, Minh Thơ sẽ luôn cố gắng học thêm kiến thức, học để phục vụ công tác tốt hơn tại đơn vị mình, trên quê hương Tam Bình anh hùng đã sinh ra GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Từ khi hình thành Khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa tại xã Tường Lộc, Trường THPT Trần Đại Nghĩa mỗi đầu năm học đều đưa học sinh khối 10 sang viếng. Hàng năm, trường tổ chức riêng hội thi sáng tạo Trần Đại Nghĩa để khuyến khích học sinh sáng tạo;

hội thi “Trần Đại Nghĩa- tự hào quê hương Tam Bình” giúp các em tự tin trình bày trước đám đông, để thu nhận nhiều hơn trong học tập và trải nghiệm...

Anh Lê Thái Bình- Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Đại Nghĩa- cho biết, đó là cách sinh hoạt tư tưởng rất hiệu quả về truyền thống lịch sử quê hương với học sinh, nhất là khi các em đứng dưới mái trường mang tên Trần Đại Nghĩa.

Nguyễn Thị Xuân An- học sinh lớp 10A2 THPT Trần Đại Nghĩa- bày tỏ rằng em rất khâm phục tính sáng tạo của GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Chính từ tính cách ấy, em sẽ học theo để xây dựng cho mình một kế hoạch học tập đúng đắn, hiệu quả hơn cho định hướng tương lai.

Trên quê hương Hòa Hiệp hôm nay. Ảnh: MINH THÁI
Trên quê hương Hòa Hiệp hôm nay. Ảnh: MINH THÁI

Được công nhận xã nông thôn mới cuối năm 2017, Hòa Hiệp hôm nay có nhiều đổi mới. Nông dân Trần Thanh Phong (ở Ấp 10) đang cắt cỏ cho 4-5 con bò.

“Những năm qua, giống lúa, kỹ thuật mình đổi mới nhiều rồi, nên năng suất, sản lượng ngày càng tăng hơn đó chú”- ông Phong nói với phóng viên trong chiều hửng nắng.

Thuần nông với 90% diện tích là sản xuất lúa, xã Hòa Hiệp đã sử dụng 100% giống lúa chất lượng cao. Phó Chủ tịch UBND xã- Trương Thanh Hải cho biết, bà con Ấp 7, Ấp 8 đã liên kết cánh đồng lớn, sản xuất khoảng 140ha lúa chất lượng cao, có bao tiêu sản phẩm:

“Canh tác bây giờ, với chỉ đạo của địa phương và trợ giúp của khoa học kỹ thuật, người nông dân mình đã tích cực tiếp thu và nhân rộng mô hình, qua đó đảm bảo đời sống sản xuất, ổn định kinh tế gia đình”.

Bí thư Đảng ủy xã- Huỳnh Văn Y cho biết, thay đổi rõ nét nhất là ở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa đến đời sống người dân địa phương phát triển khá toàn diện.

Thu nhập đầu người xã nông thôn mới đặt mục tiêu cuối năm nay là 41 triệu đồng/năm, nhưng tới quý III này, xã đã đạt hơn mức 41 triệu đồng/người/năm.

Với Hòa Hiệp- xã tự hào là quê hương của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa. Với các bạn Mỹ Xuân, Minh Thơ, Xuân An,... với cả những người trẻ chúng tôi sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì ý nghĩa quá trình vượt khó, nghiên cứu khoa học và sáng tạo của GS.VS, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa luôn là tấm gương soi rọi.

Mỗi người một cách, nhưng mẫu số chung là: học tập để hoàn thiện bản thân, sáng tạo để xây dựng quê hương giàu mạnh.

Ngày 5/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời kỹ sư Phạm Quang Lễ đến Bắc Bộ phủ. Bác thân mật nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay tôi gọi chú đến để trao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc”.

Bác nói tiếp: “Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay, bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ cho gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”.

Bác giải thích rất dí dỏm: “Một là họ Trần, không có họ với Bác, đấy là họ của Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chí nhân nhi địch cường bạo”.

TƯỜNG VÂN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh