Dân trao quyền lực cho cán bộ và có thể lấy lại quyền đó

01:09, 08/09/2018

GS.TSKH Phan Xuân Sơn nhấn mạnh điều này khi nói về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn nhấn mạnh điều này khi nói về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Vì sao cán bộ, đảng viên suy thoái?

Từ sau Đại hội XII đến nay, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Điều đó một mặt phản ánh dũng khí của Đảng, quyết tâm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin trong dân;

Thể hiện tinh thần cương quyết không có vùng cấm, xử lý từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Song, mặt khác cũng cho thấy, việc phát hiện những bê bối, tham nhũng, tiêu cực đều xuất phát từ dư luận xã hội, từ cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng, từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chứ nội bộ sinh hoạt Đảng ở các cấp còn yếu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có nguyên nhân do sự yếu kém của công tác tổ chức, đánh giá cán bộ không đúng dẫn đến bố trí không đúng.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, không phải cán bộ công chức nào cũng hiểu rõ và thấm nhuần lời di huấn của Bác.

Trong văn kiện của Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,

lối sống với những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Không ít cán bộ tự biến mình thành vua độc đoán, chuyên quyền trong các quyết định về kinh tế-xã hội, nhân sự, các dự án đầu tư nước ngoài; trong công tác cán bộ tìm cách đưa con cái họ hàng, cánh hẩu vào bộ máy, đặc biệt là tham nhũng, tiêu cực, bao che lẫn nhau, đặc quyền, đặc lợi...

So với nhu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có thể khẳng định, công tác cán bộ vẫn còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm với đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ còn hạn chế về tri thức, kỹ năng, tư cách đạo đức, lối sống.

Theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn, việc kiểm tra, giám sát cán bộ bị buông lỏng, nặng tính thành tích, hình thức, mất dân chủ cho nên việc kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân không phát huy tác dụng đầy đủ.

Một điểm nữa là do cơ chế chung chung, không đủ để ngăn cản hành vi tha hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ.

Ông Sơn cũng thừa nhận rằng, có nhiều trường hợp công tác cán bộ làm đúng nhưng do tác động bởi các yếu tố khách quan, chủ quan làm cho họ tha hóa, biến chất.

Bản thân cán bộ đã không rèn luyện, không đủ bản lĩnh để đứng vững trước cám dỗ của những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mua quan bán chức, chà đạp lên luật pháp, nguyên tắc của Đảng, chà đạp lên đồng chí, đồng đội mình để tiến  thân...

Dân trao cho cán bộ quyền lực và có thể lấy lại quyền đó

Để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân, theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn, cần thực hiện nghiêm di huấn của Bác Hồ.

“Cần xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, hợp lý chứ không cồng kềnh, chồng chéo, dẫm đạp lên nhau.

Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất tương ứng với mỗi công việc. Muốn vậy thì phải phát hiện, tuyển chọn, đào tạo,

bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, có chính sách chăm sóc xứng đáng đối với cán bộ” – ông Phan Xuân Sơn nói và nhấn mạnh việc cần ngăn chặn hiện tượng tiêu cực mua quan bán chức, mua vị trí, bằng cấp… Làm được như vậy thì cơ hội bình đẳng sẽ đến được với tất cả mọi người.

Trong các tiêu chuẩn về phát hiện, tuyển chọn cán bộ, dứt khoát phải tạo được đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của dân.

Dân trao cho cán bộ quyền lực để làm việc và dân phải lấy lại quyền đó thì cán bộ mới sợ dân, sợ người ủy quyền cho họ chứ không phải sợ cấp trên, sợ người làm công tác tổ chức.

“Quan trọng, cán bộ đó phải là người hăng hái, dân chủ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Làm cán bộ thì đừng lên mặt với dân, phải gần dân, giúp dân, việc gì có lợi cho dân khó mấy cũng phải làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”– ông Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó phải chú ý việc giáo dục rèn luyện, đào tạo, sử dụng đúng năng lực cán bộ. Trong chính sách cán bộ, không chỉ là đánh giá, sử dụng cán bộ mà còn phải thường xuyên quan tâm phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện thoái hóa, hư hỏng, làm giàu phi pháp, bất minh, bất chính.

Đặt cán bộ vào cương vị rồi thì cũng đồng thời đặt cán bộ trước áp lực của việc kiểm soát quyền lực để họ luôn giữ mình trong suốt quá trình làm lãnh đạo.

Cùng với kiểm soát, phải rất chú trọng tạo mọi điều kiện cho nhân dân, dư luận xã hội có tiếng nói đóng góp trong việc đánh giá cán bộ, tổ chức bộ máy.

“Nếu thực hiện các khâu đó thật nghiêm cẩn thì chắc chắn chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng sự sự kỳ vọng của nhân dân” – GS Phan Xuân Sơn nhấn mạnh./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh