Bồi dưỡng theo chức danh là một giải pháp không thể thiếu, rất cần thiết cho việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bồi dưỡng theo chức danh là một giải pháp không thể thiếu, rất cần thiết cho việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Từ ngày 14 đến 31/8 vừa qua, các cơ quan Trung ương đã phối hợp tổ chức 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Trung ương, trong đó trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Ủy viên Bộ Chính trị… truyền đạt và trao đổi.
Tại sao công việc này lại được coi trọng như vậy và việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới trong bối cảnh, tình hình mới có ý nghĩa thế nào đối với đội ngũ cán bộ khóa XII và các khóa tiếp theo?
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Đây là quy định của Trung ương và việc cập nhật kiến thức được thực hiện từ Bộ Chính trị trở xuống.
PGS-TS Nguyễn Viết Thảo cũng cho biết, việc chuẩn bị cán bộ nguồn cho Trung ương khóa XIII cũng cơ bản hoàn thành.
Bộ Chính trị cũng phải cập nhật kiến thức mới
Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Đảng xác định là công việc gốc của toàn Đảng.
Trong mọi thời kỳ cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã rất quan tâm đến công tác mang ý nghĩa hệ trọng này.
Trong thời kỳ hiện nay, để chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho từng nhiệm kỳ và trong suốt thời kỳ đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, Đảng ta vừa kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu của giai đoạn trước, vừa đổi mới công tác rất quan trọng này.
Hội trường Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII |
Bên cạnh việc đào tạo cán bộ, những nhiệm kỳ vừa qua, Ban Bí thư Trung ương cũng đã chỉ đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống các trường Đảng tăng cường công tác bồi dưỡng, trong đó có bồi dưỡng theo các chức danh, đương nhiệm và dự nguồn. Bồi dưỡng cập nhập kiến thức và bồi dưỡng chuyên môn.
Là người được giao phụ trách việc đào tạo các lớp cán bộ theo chức danh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo cho biết:
Trước Đại hội XII, Trung ương đã giao cho Học viện tổ chức thành công 6 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp mà nhiều người trong đó, sau này đã trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương.
Số còn lại đều là lãnh đạo chủ chốt của các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương và các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục kết quả và kinh nghiệm quý báu đó, trong những năm vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tăng cường chỉ đạo việc triển khai các lớp bồi dưỡng chức danh.
“Trước Đại hội XII (2013-2015) Trung ương tổ chức 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn, gồm 511 học viên tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 100% số học viên các lớp bồi dưỡng dự nguồn này đã được bầu vào Ban chấp hành các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, trong đó có 45 đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Ðáng chú ý, 114 trong tổng số 511 học viên đã trở thành Ủy viên T.Ư Ðảng khóa XII (94 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết)”. |
Ông Thảo đặc biệt ấn tượng khi bản thân Bộ Chính trị cũng tổ chức những buổi học tập chuyên đề với sự tham gia của tất cả các Ủy viên.
Báo cáo viên là các chuyên gia trên từng lĩnh vực như TS Nguyễn Thắng- Viện trưởng Viện kinh tế dự báo thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã trực tiếp trình bày với tư cách là một chuyên gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Hay như Bộ Chính trị nghe chuyên đề về đối ngoại do PGS-TS Đặng Đình Quý- nguyên Giám đốc Học viện ngoại giao, hiện là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày…
“Các Ủy viên Bộ Chính trị dù vị trí lãnh đạo rất cao, công việc nặng nề nhưng vẫn nghiêm túc, nhiệt tình, rất cầu thị khi tham khảo kiến thức của các chuyên gia, coi đó là luận chứng, luận cứ để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước”, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo chia sẻ.
Khai mạc lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các Ủy viên TW Đảng |
Gần đây, với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Trung ương, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo cho biết:
“Với 9 chuyên đề quan trọng, vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách trước mắt, đích thân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp chuẩn bị và trình bày chuyên đề của mình (Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương….).
Với 30 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi rất khâm phục năng lực, trình độ lên lớp của các vị lãnh đạo, rất thuần thục, thành thạo, vô cùng công phu. Ngay như Thủ tướng, tối hôm trước vẫn còn bổ sung, cập nhật nội dung mới để hôm sau lên lớp, trình bày cho các học viên”.
“Các Ủy viên Bộ Chính trị dù vị trí lãnh đạo rất cao, công việc nặng nề nhưng vẫn nghiêm túc, nhiệt tình, rất cầu thị khi tham khảo kiến thức của các chuyên gia, coi đó là luận chứng, luận cứ để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước” PGS-TS Nguyễn Viết Thảo |
Qua 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Trung ương, với tư cách là Ban Tổ chức lớp, qua nghe ý kiến phản hồi của các Ủy viên TW, ông Thảo cho biết, các học viên rất hoan nghênh cách tổ chức này.
Các Ủy viên Trung ương lên lớp không chỉ nghe các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trình bày các chuyên đề mà còn có cơ hội đối thoại, trao đổi, làm sâu sắc thêm những vấn đề mà Trung ương đang lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình hiện nay.
Chẳng hạn như bài nói chuyện của Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, giống như một cuộc đối thoại, trực tiếp trao đổi những vấn đề mà học viên đang “vướng” ở đơn vị mình.
Hay như bài nói chuyện của ông Vũ Khoan - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Với bề dày kinh nghiệm công tác, với vốn tri thức uyên thâm, lịch lãm của mình, ông Vũ Khoan đã biến buổi học đó thành buổi trao đổi giữa các thế hệ lãnh đạo một cách phong phú, thiết thực.
Tất cả các buổi lên lớp, dù là Ủy viên Trung ương hay Ủy viên dự khuyết, hầu như không vắng mặt một ai bởi lẽ, mất đi một chuyên đề là mất đi một cơ hội để mở mang tri thức, mở mang trí tuệ.
Cập nhật kiến thức trở thành yêu cầu bắt buộc
Cùng với việc mở các lớp cao cấp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho biết, Học viện còn tổ chức nhiều lớp cập nhật kiến thức cho các Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương.
Học viện đã mở được 4 lớp và chuẩn bị cho lớp thứ 5. Rồi lớp bồi dưỡng kiến thức cho các Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các trưởng, phó Ban xây dựng Đảng của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, nghĩa là liên tục bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
Hơn nữa, Học viện cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu của Học viện và các trường Chính trị của tỉnh, thành phố bởi giảng viên phải có kiến thức mới.
Học tập kinh nghiệm của Trung ương, các tỉnh, thành ủy đã rất tích cực mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quản lý và đội ngũ cán bộ dự nguồn cho các tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ tiếp theo.
Hiện đã có 3 tỉnh thí điểm là Lạng Sơn, Tuyên Quang và Quảng Bình. Từ kinh nghiệm của 3 tỉnh đó, Học viện sẽ báo cáo Ban Bí thư để thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.
Cán bộ sinh sau chiến tranh: Đề cao tính đảng trong tác phong lãnh đạo
Vậy đâu là những điểm mới trong việc cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo tại thời điểm hiện nay? PGS-TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định: “Chúng tôi nhấn mạnh việc rèn luyện tư duy, tầm nhìn chiến lược, năng lực lãnh đạo quản lý,
năng lực công tác cho cán bộ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phổ biến, trong bối cảnh chúng ta đang phải ra sức phấn đấu để tăng trưởng ngày càng đạt chất lượng cao hơn, có chiều sâu hơn để khắc phục nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Chúng tôi cũng chú trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức, tinh gọn bộ máy và biên chế theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Đối với các chuyên đề liên quan đến thế giới, các giảng viên cập nhật nhiều xu hướng mới như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa dân tộc, dân túy; quá trình hình thành cục diện thế giới ngày càng đa cực, đa trung tâm…
Tất cả những vấn đề này đều rất mới mẻ, chỉ xuất hiện trong vòng 2-3 năm qua”.
PGS-TS Nguyễn Viết Thảo |
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của chúng ta hiện nay, nhìn từ cơ sở cho đến Trung ương đang xuất hiện nhiều gương mặt trẻ tuổi, năng động, được đào tạo bài bản, đầy khí thế quyết tâm. Đó là những người sinh ra sau ngày giải phóng miền Nam, giữa thập kỷ 70 trở lại đây.
Anh em được đào tạo bài bản, không chỉ ở các trường Đại học trong nước mà còn ở các trường Đại học danh tiếng ở nước ngoài. Anh em có bề dày công tác nhưng lại thiếu môi trường rèn luyện, thử thách như những thế hệ đã kinh qua chiến tranh.
Do đó, bên cạnh việc tăng cường các nội dung khoa học, hàn lâm, học thuật… Học viện rất chú trọng đến các chuyên đề về xây dựng Đảng, tính đảng trong phong cách, lối sống, đạo đức…
Mỗi khóa vào học tập ở Học viện chỉ kéo dài 1 tuần hoặc tối đa 4 tuần nhưng Học viện đề cao tối đa nội dung rèn luyện các học viên, từ việc nhỏ nhất như: sống ở ký túc xá, ăn uống ở nhà ăn, giờ giấc lên lớp, tham gia thảo luận, viết bài thu hoạch, rèn luyện lập trường chính trị, đạo đức-lối sống, tác phong thế nào…
Kinh nghiệm Nhật Bản, Trung Quốc: Rèn luyện cán bộ cả ý chí lẫn liêm chính
Qua tham khảo chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý cao cấp của các Đảng tư sản, các nhà nước phát triển trên thế giới, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh: “Họ đều chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và phong cách.
Ví dụ như trường bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản. Bên cạnh những nội dung như chính trị-kinh tế-xã hội-an ninh-quốc phòng… họ còn tổ chức chương trình trà đạo, kiếm đạo, thư pháp và chương trình chạy maraton quanh một hòn đảo dài 100km.
Bài tập chạy như vậy vừa rèn luyện thể chất, vừa rèn luyện nghị lực, ý chí của con người… Không phải học viên nào cũng chạy đến đích nhưng chỉ cần nhìn vào cách họ chạy, cũng có thể thấy được tinh thần của các học viên.
Những ai vượt qua quãng đường 100 km, họ vô cùng hãnh diện.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đưa nguồn nhân lực cao cấp xuống các trại dưỡng lão để học viên chăm sóc trực tiếp các cụ già, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tàn tật.
Họ phải ở đó 1 tuần để thấm nhuần quan điểm phục vụ nhân dân. Tôi nghĩ, kinh nghiệm đó cũng đắt giá với chúng ta lắm bởi Bác Hồ đã nói “cán bộ là công bộc của dân”, là người “đầy tớ” của nhân nhân dân. Chỉ có thể thật sự gần dân, vì dân thì mới có thể trở thành cán bộ tốt”.
Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, qua việc đi thăm trường Đảng Trung ương hay trường Đảng của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, ông Thảo rất ấn tượng với việc xây dựng một phòng học với tên gọi “phòng liêm chính”, giáo dục liêm chính.
Trong đó, họ đưa ra những hình ảnh mẫu mực của các vị lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh đó là hình ảnh của các vị lãnh đạo bị xử lý về tham nhũng và các tội danh khác…
“Cái đó mang tính chất cảnh báo rất có hiệu quả. Tại trường Đảng của thành phố Thiên Tân và nhiều cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Trung Quốc đã thành lập phòng giáo dục liêm chính. Đây là một sáng tạo rất lớn, có thể tham khảo kinh nghiệm”, ông Thảo nhấn mạnh.
Vậy chúng ta rèn luyện cán bộ bằng cách nào? PGS-TS Nguyễn Viết Thảo cho biết: “Chúng ta cũng có những lớp rèn luyện cán bộ khá khắt khe.
Đối với 6 lớp dự nguồn cán bộ từ khóa trước, chúng tôi tổ chức những chuyến đi nghiên cứu thực tế ở những địa bàn khó khăn nhất trong cả nước như Lai Châu, Điện Biên, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận… chứ không phải đến những nơi phồn hoa đô hội.
Nhiều đoàn cán bộ là nữ, khi đi thực tế ở các đồn biên phòng không có nước, ngủ ở lán trại gió lùa, đường sá hiểm trở… thật sự là những trải nghiệm rất quý đối với họ. Sau đợt đó, Học viện cũng rút ra nhiều kinh nghiệm.
Nhìn từ thực tiễn việc bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định, đây là một giải pháp không thể thiếu, rất cần thiết cho việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Chúng ta có đội ngũ này rất đông. Dù đã qua các trường đại học nhưng việc bồi dưỡng theo chức danh còn hạn chế.
Chuẩn bị nhân sự khóa XIII: Các tỉnh, Thành ủy đã cơ bản hoàn thành.
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, cho đến nay, việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho khóa 13 được tiến hành rất chu đáo theo đúng sự chỉ đạo của các hội nghị Trung ương.
Dự kiến cuối năm nay, sẽ có lớp dự nguồn cán bộ khóa XIII đầu tiên. Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, Ban Tổ chức Trung ương đã và đang kiện toàn danh sách quy hoạch Ban chấp hành Trung ương mà các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã làm rất khẩn trương.
Đến nay, hầu hết các đảng bộ đã làm xong với sự chuẩn bị hết sức công phu. PGS-TS Nguyễn Viết Thảo nói: “Theo quy hoạch này, chúng ta mới đào tạo, bồi dưỡng chứ không bồi dưỡng tràn lan.
Tôi cho rằng, những cán bộ cho nhiệm kỳ khóa XIII và những khóa tiếp theo sẽ có đủ điều kiện gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó”.
Hội nghị TW7 bàn về công tác cán bộ |
Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã bàn về đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược với những chỉ tiêu rất cụ thể như: đối với cán bộ cấp chiến lược, phải thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín, trên 15% dưới 45 tuổi, từ 40-50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Đúng là chỉ tiêu cao để chúng ta phấn đấu và phải dựa vào rất nhiều khâu, trong đó có khâu đào tạo, bồi dưỡng.
Chúng tôi cũng rất vinh dự được Trung ương giao cho nhiệm vụ này và tôi tin tưởng rằng, mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có cơ sở để thực hiện tốt, thực hiện thành công”. /.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin