Giám sát và phản biện xã hội (GS-PBXH) là một nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quy định trong nhiều văn bản luật. Qua gần 5 năm thực hiện, việc GS-PBXH đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn những bất cập cần khắc phục.
Giám sát và phản biện xã hội (GS-PBXH) là một nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quy định trong nhiều văn bản luật. Qua gần 5 năm thực hiện, việc GS-PBXH đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn những bất cập cần khắc phục.
MTTQ các tỉnh đề xuất cần quy định chế tài xử lý nếu các đơn vị không thực hiện các kiến nghị sau giám sát. |
Tập trung những vấn đề bức xúc
Tại hội thảo “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác GS-PBXH” do MTTQ các tỉnh cụm Bắc sông Hậu tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng công tác GS-PBXH đã đóng góp tích cực trong việc đáp ứng những đòi hỏi, bức xúc của nhân dân cũng như giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang
đặt ra.
Ở hầu hết các địa phương, các lĩnh vực, nội dung GS của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đều tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo nhân dân.
Đó là GS về việc bình xét hộ nghèo; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý đất công; quản lý trật tự đô thị; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân…
Tùy theo tình hình thực tế hàng năm, MTTQ các cấp sẽ xây dựng kế hoạch công tác GS sát hợp với địa phương mình.
Ông Lê Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Long An- cho biết, để cuộc giám sát có hiệu quả MTTQ thường phân công các thành viên trong đoàn tìm hiểu kỹ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nội dung GS. Qua đó, đoàn có thể đối chiếu việc thực hiện cũng như xây dựng các kiến nghị với đơn vị được GS một cách sát hợp hơn.
Bà Lê Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Vĩnh Long- cho biết, ngoài thành lập đoàn GS chung của tỉnh, MTTQ còn phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội GS theo từng lĩnh vực để tránh chồng chéo, cụ thể phối hợp nông dân GS về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; phối hợp phụ nữ GS về thức ăn đường phố; phối hợp Liên đoàn Lao động GS về bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp…
Cũng theo bà Lê Hồng Đào, MTTQ tỉnh cũng rất quan tâm đến việc giải quyết những kiến nghị sau GS, theo đó những kiến nghị của đoàn gửi tới các ngành chức năng được tiếp tục theo dõi, đôn đốc giải quyết. Đó cũng chính là một cách làm tăng hiệu quả GS của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội
Hiện nay, công tác GS- PBXH là GS không chế tài, không ràng buộc trách nhiệm cho nên khâu thực hiện các kiến nghị sau GS, PBXH chưa cao. Đề nghị cần có quy định việc tiếp thu xử lý các kiến nghị sau GS và có hình thức phê bình, rút kinh nghiệm các trường hợp ngành chuyên môn chưa nghiêm túc trong việc tiếp thu, khắc phục những hạn chế do ngành mình quản lý |
PBXH còn nhiều bất cập
Song song với công tác GS, công tác PBXH đạt kết quả bước đầu thông qua việc MTTQ các cấp tổ chức góp ý, PBXH đối với dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, các ngành, các dự án, quy hoạch…
Theo đánh giá, các kiến nghị PBXH của MTTQ các cấp được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác PBXH còn nhiều mặt hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Theo các đại biểu, theo quy định tất cả các dự thảo nghị quyết, đề án, quy hoạch… đều phải gởi qua cho MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tham gia GS, phản biện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương đã “quên” việc này, thậm chí cả năm trời không có bất kỳ một văn bản nào gởi cho MTTQ tham gia GS- PBXH, nhất là cấp huyện và cơ sở. Đối với cấp tỉnh, có gửi nhưng chưa đầy đủ và tình trạng thường diễn ra nhất là gửi xong và yêu cầu trong 2-3 ngày phải phản hồi, việc này gây khó khăn cho MTTQ trong việc tổ chức để phản biện.
Bà Phạm Minh Châu- Ủy viên Thường trực UBMTTQ tỉnh Tiền Giang- cho rằng, ngoài các hạn chế trên, công tác PBXH ở một số nơi chỉ dừng lại ở việc chủ yếu là góp ý. Nguyên nhân một phần do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ MTTQ còn hạn chế, một phần có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm dẫn đến hiệu quả mang
lại chưa cao.
GS- PBXH được thực hiện thường xuyên sẽ là một kênh rất quan trọng nhằm góp thêm tiếng nói và giúp phát hiện kịp thời những sai sót trong thực thi chính sách để điều chỉnh.
Vì thế, những kiến nghị sau GS- PBXH nếu phát hiện ra các vấn đề thì nhất thiết cần được quan tâm điều chỉnh để tạo sự đồng thuận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước vì MTTQ là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
“Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp cần có nhận thức đúng và đầy đủ về việc thực hiện các chính sách này trong thời gian tới- đó là ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo đề xuất”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam- cho rằng: Theo quy định, tất cả các nghị quyết, đề án, quy hoạch… đều phải lấy ý kiến của MTTQ. Thời gian qua, có trường hợp các ngành khi gửi một văn kiện, đề án, quy hoạch qua cho MTTQ các cấp tham gia PB và yêu cầu 2-3 ngày phải phản hồi, nếu không xem như đồng ý là không thể chấp nhận. Theo quy định, ít nhất việc phản hồi các văn kiện trên phải là 15 ngày, trong khoảng thời gian đó mới có điều kiện để tổ chức PB.
Ông Lê Văn Hùng đề xuất, cần có quy định về hình thức, phương pháp GS của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đối với đảng viên, trong đó chỉ GS những đảng viên đang làm việc, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức đảng… |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin