Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, ngày 11/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về hai dự án: Luật Đặc xá (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Quỳnh Hoa/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, ngày 11/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về hai dự án: Luật Đặc xá (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Do đó, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết.
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp quy định về các nguyên tắc thực hiện, thời điểm, chính sách của Nhà nước trong thực hiện đặc xá và các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá; đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước; đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; khiếu nại, tố cáo.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào ba nội dung: quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá; bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục trong nước và quốc tế, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quản lý nhà nước về giáo dục... Vì vậy, để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và tình hình thực tiễn hiện nay.
Dự án Luật tập trung vào một số nội dung như: Chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội.../.
Theo QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin