Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long chất vấn bộ trưởng xoay quanh vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp và nguy cơ ô nhiễm phóng xạ.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long chất vấn bộ trưởng xoay quanh vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp và nguy cơ ô nhiễm phóng xạ.
Đại biểu Phạm tất Thắng chất vấn: Hiện nay hầu hết các cụm công nghiệp và nhiều khu công nghiệp trên cả nước chưa có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Chính vì vậy mà cử tri rất lo lắng về tình trạng xả thải không qua xử lý ra môi trường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình cụ thể của hiện trạng này và giải pháp để chấm dứt tình trạng này.
Một vấn đề nữa là một nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới. Chúng ta biết hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân.
Các nhà máy điện hạt nhân này đều đặt khá gần Việt Nam, với khoảng cách từ 50 đến 200km. Nguy cơ ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa và ứng phó với nguy cơ này như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cách đây 2 hôm vì vấn đề này nên tôi đã trực tiếp đi kiểm tra làng khoai mới thấy một vấn đề là cụm công nghiệp, do địa phương chịu trách nhiệm thành lập và quản lý (chủ yếu là do cấp huyện quản lý) mới thấy về cơ bản không có hạ tầng hoặc đầu tư hạ tầng thì không kết nối nên gần như không hoạt động.
Trong cụm công nghiệp thì sắp xếp, bố trí các loại hình công nghiệp hoàn toàn không theo một quy hoạch và tính toán. Đặc biệt, trong các cụm công nghiệp lại có bố trí dân cư ở. Đây là một vấn đề hết sức nan giải bất cập. Và trên thực tế đã hình thành các khu dân cư bị ô nhiễm rất nặng.
Trong các cụm công nghiệp, nhiều loại hình công nghệ lạc hậu từ các đô thị, từ các thành phố đổ về khu vực này; nhiều loại hình công nghiệp rất ô nhiễm xuất phát từ các làng nghề và hiện nay người ta đã chuyển sang làm các loại công nghiệp này. Đây là một thực trạng tôi cho rằng đúng như phản ánh.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý cụm công nghiệp, khu công nghiệp và trong đó đã trực tiếp giao các nhiệm vụ rất rõ, không chỉ có địa phương nữa, mà tất cả vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc ban hành chiến lược quy hoạch, kế hoạch đã phân cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nghị định ban hành trong tháng 5/2018, chúng tôi đã chỉ đạo sẽ xem xét để quan tâm đến công tác giám sát, kiểm tra, đồng thời cũng như xem xét trách nhiệm của các bên.
Đặc biệt, ở đây tôi muốn nhấn mạnh cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, cấp huyện cần phải có năng lực, cần phải thanh tra, kiểm tra để đánh giá toàn bộ bố trí của các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, rà soát lại các loại hình và đồng thời cũng phải có ngay danh sách các loại hình ô nhiễm quá ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân thì phải đình chỉ hoạt động.
Chúng ta không phân biệt loại hình doanh nghiệp trong cụm công nghiệp này với các loại hình trong các khu công nghiệp, bởi vì tôi cho rằng về tính chất ô nhiễm nằm ở ngay khu dân cư thì còn nghiêm trọng hơn.
Về giải pháp, tôi xin được đề cập trong đó sẽ ban hành quy chuẩn và việc thanh tra, kiểm tra, quản lý, các giải pháp về hướng dẫn các công nghệ xử lý cũng như kiểm soát về vấn đề đầu tư hạ tầng... cũng như năng lực địa phương.
Về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, hiện nay có các nhà máy sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới là điều chúng tôi đã biết rõ.
Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để luôn theo dõi.
Chúng tôi biết Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chính thức làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn các hoạt động ở đây.
Không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà bản thân TP Hà Nội vừa rồi cũng đã đưa ra một kế hoạch rất cụ thể về việc phòng, tránh ô nhiễm hạt nhân khi nó xảy ra đối với TP Hà Nội.
Chúng ta biết các nhà máy điện hạt nhân không chỉ được sự quan tâm của chúng ta mà cộng đồng thế giới, tổ chức hạt nhân thế giới cũng có trách nhiệm kiểm soát.
Tôi cho rằng với những công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân trong vấn đề thường xuyên theo dõi, giám sát thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này.
TÂM HUỲNH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin