Thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri phản ánh những vấn đề nóng liên quan tới nhiều lĩnh vực như giao thông, lao động, giáo dục...
Thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri phản ánh những vấn đề nóng liên quan tới nhiều lĩnh vực như giao thông, lao động, giáo dục...
Sáng 4/6, mở đầu phiên họp Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đọc báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Theo đó, trong số 2.099 kiến nghị của cử tri có 72 ý kiến về hoạt động của Quốc hội tập trung vào các vấn đề gồm hoạt động lập pháp (trong đó cử tri của 11 tỉnh, thành phố có ý kiến góp ý đối với 07 dự án luật cụ thể:
An ninh mạng, Quy hoạch, Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Tố cáo (sửa đổi), Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi),...;
về hoạt động giám sát trong đó tập trung kiến nghị giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội, như: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tình hình nợ công, bội chi ngân sách nhà nước;
tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư; an toàn thực phẩm; quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng;...
Về công tác điều hành của Chính phủ, cử tri có 1.993 kiến nghị (chiếm 95% tổng số kiến nghị cử tri), thuộc các nhóm vấn đề khác nhau.
Về nông nghiệp, nông thôn, cử tri An Giang, Sóc Trăng, Hà Nam, Hậu Giang... lo lắng về tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, một số chính sách, giải pháp chưa phù hợp thực tế,
chậm đi vào cuộc sống, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn tình trạng tạm nhập, tái xuất sản phẩm nông nghiệp, khắc phục triệt để tình trạng nông sản, thực phẩm mất giá khiến xã hội phải “giải cứu” như thời gian qua đối với thịt heo, su hào, dưa hấu, củ cải,...
Về giải quyết việc làm, an sinh xã hội, cử tri Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Tiền Giang,... tiếp tục kiến nghị về chính sách đối với người có công, có giải pháp cụ thể để giải quyết các trường hợp bị thất lạc hồ sơ gốc; cấp đổi, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công;
điều chỉnh lương hưu; tăng cường quản lý doanh nghiệp đưa người đi lao động nước ngoài; kiểm tra, xử lý trình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội,...
Đặc biệt, cử tri Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Bình, Tây Ninh,... kiến nghị khẩn trương thanh tra, kiểm tra, có giải pháp để xử lý các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trên tuổi 35, nhất là lao động nữ; xem xét, giải quyết chênh lệch mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau 01.01.2018 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội,...
Về văn hóa, giáo dục, y tế, cử tri Bình Phước, Quảng Nam, Điện Biên, Thái Nguyên, Phú Yên, An Giang, Lâm Đồng,... phản ánh sự bất bình trước tình trạng một số phương tiện thông tin đại chúng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bị lai căng, biến dạng;
lợi dụng tổ chức lễ hội, trò chơi điện tử để hành nghề mê tín dị đoan, đánh bạc; việc xây dựng tượng đài ở một số địa phương gây lãng phí;
chất lượng tuyển sinh ở một số trường đại học, cao đẳng còn thấp; chương trình giáo dục, đào tạo còn bất cập; tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu xảy ra ở nhiều nơi; mất an toàn thực phẩm,...
Đặc biệt, tại kỳ họp này cử tri TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng, mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với giáo viên, giữa giáo viên và học sinh xuất hiện một số vụ việc có biểu hiện bất bình thường, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo;
hiện tượng mất an ninh, trật tự tại các bệnh viện, hành hung bác sỹ gây bức xúc trong dư luận, cử tri đề nghị cần có ngay giải pháp đồng bộ khắc phục các hiện tượng trên,...
Về kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng, cử tri Đà Nẵng, Bến Tre, An Giang, Đắk Nông, Thanh Hóa,... cho rằng tình hình nợ công ngày càng tăng cao, việc sử dụng vốn nhà nước còn chưa hiệu quả, cần sớm có biện pháp khắc phục;
cần xem xét đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện để người dân dễ tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, ví dụ như gói tín dụng 100.000 tỉ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao,...
Đặc biệt, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, Phú Yên,... kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các công ty tài chính; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các ngân hàng thương mại;
xem xét, sửa đổi các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng thất thoát đất đai, tài sản nhà nước,...
Về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, cử tri Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Thọ, Tây Ninh,… tiếp tục kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa; khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam;
sửa đổi các quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện,…
Về giao thông vận tải, xây dựng, cử tri Lâm Đồng, Yên Bái, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc,... tiếp tục đề nghị quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ 4H (Lai Châu), 4C (Hà Giang), 18 (Bắc Ninh), 19 (Bình Định), 61 (Kiên Giang), 21B (Nam Định);
đầu tư không đồng bộ, có cầu nhưng không có đường lên như cầu Hưng Hà (Hưng Yên), cầu Thái Hà (Hà Nam) nên không phát huy được hết hiệu quả đầu tư,...
tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, tết; nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quy tắc giao thông; tình hình chấp hành trật tự, kỷ cương, quy hoạch và việc xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách không đảm bảo chất lượng, an toàn cháy, nổ trong thiết kế, thi công các công trình xây dựng;
các công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch nhưng chỉ phạt “cho tồn tại”.
Đặc biệt, cử tri Quảng Ninh phản ánh một số loại hình kinh doanh bất động sản (như căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch condotel, văn phòng kết hợp lưu trú officetel) chưa được pháp luật quy định, đề nghị sớm ban hành văn bản quy định về loại hình kinh doanh này,...
Về tài nguyên và môi trường, cử tri Đắk Nông, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Phước, Thái Bình,... kiến nghị cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường; đặc biệt, đầu tư các dự án về xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, làng nghề;
nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; có biện pháp chấn chỉnh, thu hồi các dự án chậm triển khai, để lãng phí đất, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật,...
Đặc biệt, cử tri Hà Nam bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên các tuyến sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang chưa được xử lý kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân,...
Về tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Lào Cai,... kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế; xem xét lại chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi hiện còn bất cập; có chính sách thu hút nhân tài,…
đặc biệt, cử tri đề nghị năm 2018 Chính phủ cần tổ chức tổng kiểm tra, rà soát lại công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trên phạm vi cả nước,...
Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố, cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí: cử tri Quảng Nam, Cao Bằng, Đồng Tháp,... kiến nghị đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, các công trình trong khu vực phòng thủ tại địa phương;
cử tri Phú Thọ đề nghị tăng cường công tác bảo vệ an toàn, an ninh cho ngư dân; cử tri Long An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Hà Nam,... đề nghị tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng và sớm có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng;
cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân nên tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài diễn biến theo chiều hướng gia tăng;
việc xử lý các cán bộ sai phạm (được phát hiện qua khiếu nại, tố cáo của công dân) vẫn còn có dấu hiệu ngại va chạm, nể nang, né tránh, ít cán bộ bị xử lý kỷ luật (chủ yếu là rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ còn chiếm tỷ lệ lớn );...
Đặc biệt, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bình Định lo lắng về tình trạng vi phạm các quy định về phòng, chống cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi, gây mất an toàn cho người dân, nhất là ở các khu chung cư cao tầng, nguy cơ cháy, nổ rất cao do thiết kế xây dựng,
do thiếu các thiết bị, điều kiện PCCC, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và có biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân (kiến nghị cử tri qua tiếp xúc cử tri tháng 11/2017, trước khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại khu chung cư Carina, TP. Hồ Chí Minh).
Theo LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin