Qua theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các bộ trưởng trong kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV, phóng viên Báo Vĩnh Long đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri tỉnh Vĩnh Long đề xuất liên quan đến vấn đề khai thác cát sông,
Qua theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các bộ trưởng trong kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV, phóng viên Báo Vĩnh Long đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri tỉnh Vĩnh Long đề xuất liên quan đến vấn đề khai thác cát sông, ô nhiễm môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.
Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh: Thời gian qua, vấn đề khai thác cát sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống dân sinh, nhiều người phải sống trong cảnh mất nhà, mất đất, tài sản và tánh mạng bị đe dọa,
nhưng tôi thấy các quy định của pháp luật cũng như hướng xử lý của các ngành chức năng lại quá nhẹ, làm cho những người khai thác cát cứ “nhờn đi”.
Tôi kiến nghị cần có biện pháp mạnh hơn, chẳng hạn như tịch thu phương tiện thì họ sẽ không thể tiếp tục tại phạm.
Ông Huỳnh Tấn Phước. |
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường ở nông thôn cũng đang là vấn nạn bức xúc hiện nay khi ý thức của người dân chưa cao.
Tình trạng rác thải độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật chết cùng những thứ dơ bẩn cứ tuồng thẳng ra ngoài sông, đang gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Có những nơi được bố trí thùng rác nhưng người dân vẫn thấy đâu thì quăng đó chứ chẳng thu gom đúng nơi quy định, vừa làm mất vẻ mỹ quan vừa ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
Theo tôi, bên cạnh việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên tuyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường và hướng tới cuộc sống trong lành hơn.
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã có tác động rất lớn trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trong đó, tôi quan tâm đến đào tạo nghề về nông nghiệp cho nông dân. Tôi nghĩ, việc đào tạo nghề nên gắn với quy hoạch tổng thể, vừa đào tạo vừa định hướng cho nông dân nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện của từng vùng đất và theo quy hoạch chung sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Chị Nguyễn Thị Xuân Mai- ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long: Qua các phiên chất vấn của Quốc hội, tôi rất quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực của nước ta trong thời gian tới.
Tôi thấy môi trường giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, nhất là tình trạng bạo lực học đường gia tăng, việc thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch đã gây lãng phí lớn về thời gian, tiền của mà chất lượng chưa đạt được như mong đợi.
Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng.
Tôi cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề trên. Bên cạnh việc giáo dục về con chữ, cần quan tâm hơn nữa giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho lớp trẻ; trong đào tạo cần quan tâm đến chất lượng lên hàng đầu chứ không phải là những điểm số, những bài toán thách đố và việc đào tạo cần gắn với nhu cầu của thị trường.
Cần làm thế nào để khơi gợi tinh thần, ý thức tự học của mỗi người. Song, các chương trình đào tạo cần đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.
XUÂN TƯƠI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin