Mong muốn tiền lương phải đủ nuôi sống bản thân và gia đình

05:05, 10/05/2018

Trong các nội dung mà hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa XII đang bàn thảo thì đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đề án cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Trong các nội dung mà hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa XII đang bàn thảo thì đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đề án cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Việc cải cách tiền lương cần phải đạt mục tiêu bảo đảm đời sống cho công chức, viên chức và gia đình của họ.
Việc cải cách tiền lương cần phải đạt mục tiêu bảo đảm đời sống cho công chức, viên chức và gia đình của họ.

Tiền lương phải đảm bảo đủ sống

Theo đề án “cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, tới đây tiền lương được coi là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình.

Nhà nước trả lương cho CB, CC, VC và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của CB, CC, VC có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Từ năm 2021 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với CB, CC, VC, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Đảm bảo tiền lương thấp nhất của CB, CC, VC bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp.

Định kỳ (2- 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

Bà Trương Bích Hậu- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm)- đồng tình với đề án cải cách chính sách tiền lương, vì hiện nay cách tính lương hơi phức tạp, nhiều người nhận lương không hiểu rõ ràng, cụ thể về mức lương và phụ cấp mình được lãnh, việc cải cách này sẽ thay đổi cách tính lương đơn giản, rõ ràng hơn.

Ông Trần Văn Phong- Phó Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Tam Bình- cho rằng: “Hiện nay, mức lương ở cơ sở- nhất là cán bộ bán chuyên trách cấp xã còn rất thấp, chưa đảm bảo cho anh em hoạt động cũng như lo cho cuộc sống gia đình.

Lần này, Trung ương bàn ra nghị quyết về việc xếp lương theo chức danh, theo tôi rất phù hợp sẽ giúp cán bộ các cấp có cuộc sống ổn định hơn và sẽ chuyên tâm lo cho công tác được Đảng, Nhà nước giao”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã An Phước (Mang Thít) Trương Thanh Chuẩn cho biết: Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách cấp xã hưởng phụ cấp từ 1.10 đến 1.75/tháng và hưởng lương cố định dù có thâm niên lâu năm.

Với mức lương, phụ cấp hiện tại thì một mình còn chật vật nói chi đến lo cho gia đình, rồi chuyện con cái học hành và nhiều chi phí khác...

Tôi đồng tình với việc xếp lương nhưng cũng đề xuất Nhà nước cần quan tâm tới đối tượng là cán bộ cơ sở theo tinh thần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và gia đình.

Băn khoăn việc tăng tuổi nghỉ hưu

Đề án cải cách chính sách BHXH lần này có nhiều điểm mới như mở rộng diện bao phủ BHXH xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, làm sao để người cao tuổi cũng có lương hưu và hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân cũng như tăng tuổi nghỉ hưu.

Nội dung mà CB, đảng viên quan tâm nhất là đề án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Đề án cải cách BHXH và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa ra lý do để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH,

dự kiến theo phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu từ 1/1/2021 với lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ông Trần Văn Phong cho biết, trong cải cách BHXH- nhất là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, theo tôi nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với những người có học hàm, học vị cao để họ có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu thêm, còn đối với CB, CC thì quy định như hiện nay là phù hợp.

Bà Trương Bích Hậu thì không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu. Bà cho biết, theo tôi cứ giữ nguyên như cũ,

vì độ tuổi 55 đối với nữ là về hưu hợp lý, thứ nhất là về vấn đề sức khỏe, phụ nữ độ tuổi này sức khỏe đã suy giảm, tinh thần, đầu óc cũng suy giảm và nhiều người nhất là CC,VC, người lao động ở cơ sở độ tuổi này họ đã muốn nghỉ ngơi về chăm sóc, gần gũi con cháu.

Trong khi vấn đề hiện nay là tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều, cần có biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Các đề án cải cách quan trọng được Bộ Chính trị trình hội nghị lần thứ 7, đang được Trung ương bàn thảo và sẽ có kết quả sau khi hội nghị Trung ương 7 kết thúc (vào ngày 12/5).

Tuy nhiên, vấn đề mà các CB, đảng viên đặt ra khi phóng viên tiếp xúc đều mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ có những quyết sách phù hợp nhất để CB, CC, VC các cấp có thể yên tâm công tác, đảm bảo cuộc sống và chuyên tâm với nhiệm vụ được giao.

Anh Nguyễn Hoàng Mỹ- Bí thư Đoàn xã Tân Long (Mang Thít)

Theo tôi, chính sách tiền lương hiện nay của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, còn thấp nên không có khả năng khích lệ được người lao động.

Như bản thân tôi công tác 15 năm ở xã, trong đó 14 năm là công chức xã.

Hiện tại bậc lương 2,46 nhân với mức lương cơ sở, cộng với phụ cấp chức vụ bí thư xã Đoàn, tính ra thì còn rất thấp so với khối lượng công việc mà bản thân đảm nhận, phải tiết kiệm lắm mới xoay xở chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Tôi mong muốn tại Hội nghị Trung ương 7 lần này, vấn đề tiền lương sẽ được thảo luận, bàn bạc để tìm ra phương thức tháo gỡ những điểm bất cập và thống nhất để làm sao tạo động lực để cho CB,CC cơ sở phấn đấu làm việc.

Theo đó, tôi cũng mong muốn chế độ tiền lương cho CB,CC cấp cơ sở phải đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Bởi có như thế họ sẽ an tâm công tác và đây cũng là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế chảy máu chất xám và đẩy lùi được vấn nạn tham nhũng.

Đối với Đề án cải cách chính sách BHXH, tôi cho rằng vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu hay giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu không nên quy định cứng nhắc, không áp đặt một mức cho tất cả mọi người lao động mà phải linh hoạt.

Vì thực tế, nhiều người lao động có nguyện vọng không muốn kéo dài tuổi lao động.

Chính vì vậy, nếu người lao động muốn tiếp tục cống hiến thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình, còn ngược lại thì người lao động có thể nghỉ hưu như quy định trước giờ.

Trung úy Đoàn Văn Trường Chinh- Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Tôi rất đồng tình với vấn đề cải cách tiền lương vừa được nêu ra tại hội nghị lần thứ 7 của BCH Trung ương Đảng khóa XII.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện chính sách cải cách tiền lương nhằm cải thiện đời sống của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của CB,CC,VC, kể cả cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.

Thiết nghĩ, vấn đề cải cách tiền lương được bàn, quyết định lần này là niềm mong mỏi của rất nhiều người và hy vọng sẽ sớm được triển khai thực hiện để góp phần nâng cao đời sống của những người hưởng lương.

HUỆ- THỊNH (ghi)

Bài, ảnh: BÙI THANH- HẢI YẾN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh