Phải xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới

11:05, 11/05/2018

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), 1 trong 3 nội dung trọng tâm mà Trung ương tập trung thảo luận thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên là Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), 1 trong 3 nội dung trọng tâm mà Trung ương tập trung thảo luận thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên là Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Người cán bộ lãnh đạo cần hội đủ 2 yếu tố là đạo đức và năng lực.
Người cán bộ lãnh đạo cần hội đủ 2 yếu tố là đạo đức và năng lực.

Phải xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Việc Bộ Chính trị trình Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tại hội nghị Trung ương 7 được dư luận đồng tình. Bởi lẽ, như chúng ta biết, trước khi có đề án này, việc xây dựng chiến lược cán bộ dựa vào Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) được ban hành từ năm 1997.

Hiện nay, tình hình đã khác rất nhiều so với 20 năm trước, đó là sự thay đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới; cuộc cách mạng công nghệ 4.0, về hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện…

Trong Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ, nhiều giải pháp đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới đã được Ban soạn thảo đưa ra, từ đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ, thi tuyển cán bộ đến việc ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ...

Nhà giáo nhân dân, TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT- cho biết, để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có 2 việc quan trọng, đó là thường xuyên bồi dưỡng và giao việc để thử thách cán bộ.

Theo TS. Đặng Huỳnh Mai, hiện nay mặc dù cán bộ của ta đã qua đào tạo bài bản, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao nhưng Đảng, Nhà nước cũng thường xuyên quan tâm bồi dưỡng giúp cán bộ có thể cập nhật kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Song song đó, cần phải giao việc để thử thách nhằm đánh giá đúng năng lực và sở trường của cán bộ. Nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ hay trong giai đoạn thử thách, cán bộ đó không hoàn thành nhiệm vụ thì đương nhiên sẽ bị đào thải hoặc chuyển nhiệm vụ khác thích hợp hơn.

Ông Nguyễn Văn Lê- nguyên Bí thư Huyện ủy Trà Ôn- rất đồng tình với đề án xây dựng cán bộ lần này. Ông cho rằng, đề án cần phải quy định thật cụ thể việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm, bởi lẽ thời gian qua công tác này ở một số nơi còn mang tính hình thức kiểu “dĩ hòa vi quý”.

Ngoài ra, đề án cần phải có giải pháp chấm dứt tình trạng “chạy chức, chạy quyền…”, không thể để trường hợp người không có tài nhưng có tiền vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh- cho rằng, cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, dân tộc.

Và “điều tôi quan tâm nhất tới đây là đề án cần quy định việc bố trí cán bộ phải đúng người, đúng trình độ và phải theo quy hoạch, tránh tình trạng do nhu cầu nào đó mà bổ nhiệm cán bộ từ ngành này sang ngành khác vào chức vụ lãnh đạo dù trước đó chưa được quy hoạch”.

Mục tiêu của đề án cải cách cán bộ lần này là đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cán bộ phải có đạo đức cách mạng

Một điểm đáng chú ý của đề án là đưa ra giải pháp nhằm thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND.

Đề án cũng xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu đột phá; về phẩm chất, năng lực và uy tín của cán bộ…

Theo TS. Đặng Huỳnh Mai, chủ trương sẽ bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh và huyện không phải người địa phương- vấn đề đó không quan trọng, miễn sao người đó có toàn tâm, toàn ý và hết lòng vì dân vì nước
hay không.

Ông Nguyễn Văn Lê cho rằng, quy định như vậy cũng tốt vì sẽ giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến các mối quan hệ thân nhân, dòng họ, bạn bè… nhưng “điều tôi lo là nếu phân công người từ địa phương này đến địa phương khác sẽ mất ít nhất 1 năm để tìm hiểu mới có thể điều hành tốt, đó là những cán bộ có bản lĩnh vững vàng, còn nếu cán bộ đó chưa mạnh dạn thì dễ dẫn đến chuyện “dễ người dễ ta” khó phát huy hết năng lực trong lãnh đạo, điều hành”.

Cũng đồng tình với chủ trương này, ông Nguyễn Văn Nhỏ cho rằng như thế sẽ ít có trường hợp thiên vị về các mối quan hệ thân thuộc, sẽ công tâm, khách quan hơn cũng như không ảnh hưởng đến xử lý công việc.

Tuy nhiên, cần luân chuyển cán bộ đó về ít nhất 1- 2 năm để nắm tình hình mới có thể làm tốt nhiệm vụ được giao.

Một điều mà có lẽ mọi người đều quan tâm và công nhận là để có được những cán bộ tốt thì người lãnh đạo chủ chốt cần có tâm, có tầm và có đạo đức, nếu người đứng đầu thiếu một trong các yếu tố đó chắc chắn sẽ khó đào tạo ra những cán bộ giỏi.

Theo tinh thần gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, đối với cán bộ, chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực?

TS. Đặng Huỳnh Mai cho rằng cần phải hội đủ cả 2 yếu tố đó, thiếu 1 trong 2 thành phần này thì người cán bộ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bác Hồ đã nói “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” nhưng nếu có đạo đức mà không có năng lực thì làm việc gì cũng khó, ở khía cạnh ngược lại, nếu người cán bộ có năng lực mà không có đạo đức thì càng không thể chấp nhận được

Theo TS. Đặng Huỳnh Mai, điều quan trọng nhất để giúp cán bộ an tâm công tác, hết lòng vì công việc là được thủ trưởng đánh giá đúng năng lực và sự phấn đấu của mình. Ngoài ra, cần có chính sách cải cách tiền lương hợp lý để cán bộ, nhân viên “an cư lập nghiệp” thì chắc chắn sẽ có nhiều người hết lòng vì dân, vì việc nước mà phục vụ.

..............................

Theo ông Nguyễn Văn Nhỏ, đề án cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn cũng như hình thức đào tạo cán bộ các cấp. Thời gian qua, có một số địa phương đề ra chỉ tiêu cán bộ cấp xã cần phải có bằng B Anh văn, bằng thạc sĩ theo tôi là không cần thiết và lãng phí; về độ tuổi cần quy định cụ thể, không nên đào tạo một cán bộ khi học xong còn 1- 2 năm nữa về hưu. Ngoài ra, cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, không nên đào tạo chỉ để lấy bằng và làm điều kiện đạt chuẩn theo quy định mà những đề tài nghiên cứu đó phải áp dụng được trong thực tế, trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: BÙI THANH 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh