Ngăn thể chế dung dưỡng tham nhũng

09:05, 27/05/2018

Đánh giá tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, chưa đủ sức răn đe, đại biểu Quốc hội cho rằng nguyên nhân chính là ở thể chế

Đánh giá tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, chưa đủ sức răn đe, đại biểu Quốc hội cho rằng nguyên nhân chính là ở thể chế

Sáng 26/5, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội.

Chặn "nâng đỡ không trong sáng"

Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Thủ tướng tập trung xây dựng thể chế, tăng cường kỷ cương trong thời gian tới.

Theo ông, hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa hệ, đa năng. Nếu không có kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng "sai một ly, đi một dặm".

Ông nói: "Tôi tán thành Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", trong đó kỷ cương được đặt lên hàng đầu.

Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về sự giàu mạnh hay hèn yếu của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Tôi đề nghị Chính phủ luôn kiểm soát bộ máy hành chính theo phương châm trong 10 chữ nêu trên".

Góp ý về công tác cán bộ, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng những chính sách, chỉ đạo của Thủ tướng phải được thực hiện đến từng người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thì mới có thể truy được trách nhiệm nếu cán bộ, lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, mới hạn chế được tình trạng "trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh" như hiện nay.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng ý với việc tính lãi khoản nợ 22.090 tỉ đồng từ khi có Nghị quyết 1083 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: NGUYỄN NAM
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng ý với việc tính lãi khoản nợ 22.090 tỉ đồng từ khi có Nghị quyết 1083 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: NGUYỄN NAM

"Trước hết, có thể đình chỉ những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp (DN), thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí, nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước, bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, các dự án ngàn tỉ đắp chiếu… Nhân dân rất mong chờ sớm có sự chuyển biến trong vấn đề này" - ĐB tỉnh Bến Tre thẳng thắn.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của nhà nước và nhân dân rất lớn.

"Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh.

Lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1,3 triệu đồng, tuy thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỉ, các dự án thua lỗ nghìn tỉ" - ĐB Dung tâm tư.

Bà Dung cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng là vấn đề thể chế. "Thể chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều vướng mắc.

Đây là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách vốn nhà nước, công tác cán bộ. Khi phát hiện tham nhũng, phần lớn tài sản đã tẩu tán cũng do thể chế, quy định mang tính nguyên tắc" - bà chỉ rõ.

Nữ ĐB cho rằng cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng vào kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi.

Thuế tài sản "bảo đảm công bằng"

Trả lời ĐB về các dự án thua lỗ khiến người dân chua xót, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tới năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án. Đồng thời, có giải pháp để ngăn chặn việc hình thành những dự án tồn đọng mới trong tương lai.

Cập nhật tình hình mới nhất của 12 đại dự án thua lỗ, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết trong 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, đã có 2 dự án đã khôi phục lại, có lãi. Đó là Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và dự án Nhà máy Thép Việt - Trung.

Đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, dự án Nhà máy Thép Việt - Trung trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép QH đưa ra khỏi nhóm 12 dự án thua lỗ bởi về cơ bản đã hoạt động bình thường, khắc phục được những tồn tại trong pháp lý, quản trị DN.

Với dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Bộ trưởng Tuấn Anh thông tin, dự án này đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhà máy với các đối tác nước ngoài. Việc khôi phục hoạt động sản xuất sẽ được tiến hành từng bước.

Báo cáo QH về thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ này tiếp thu ý kiến DN, người dân, các chuyên gia, các cơ quan giữ mức thuế phổ thông là 10%, không nâng mức thuế GTGT này lên 11% đến 12% như dự thảo ban đầu; cơ cấu lại hàng hóa dịch vụ chịu thuế 0%, 5% và không chịu thuế.

Về thuế tài sản, Bộ trưởng khẳng định ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội và thêm cơ sở để quản lý xã hội cũng như định hướng thị trường, bảo đảm công khai minh bạch tài sản phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng.

"Mục tiêu tăng thu cho ngân sách là mục tiêu thứ yếu. Với phương án nghiên cứu ban đầu trình có nhiều ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới" - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Phải rất sòng phẳng với người lao động

Chiều 26-5, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Các ĐB tập trung góp ý về việc xử lý nghĩa vụ của NSNN đối với quỹ BHXH liên quan đến khoản đóng góp BHXH cho người lao động (NLĐ) làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995.

Theo báo cáo của Chính phủ, nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ BHXH bắt buộc là 22.090 tỉ đồng. Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, ngày 16-12-2015, Ủy ban Thường vụ QH đã có Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 giao Chính phủ thực hiện chuyển kinh phí từ NSNN hằng năm vào quỹ để đóng BHXH cho NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 theo quy định của Luật BHXH và hoàn thành vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong dự toán NSNN năm 2016-2017, chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỉ đồng nêu trên.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH lộ trình trả nợ số tiền này theo hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ BHXH bắt buộc, trong đó năm 2018 khoảng 6.000 tỉ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỉ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỉ đồng.

Đồng thời, NSNN sẽ phải tính và trả lãi phát sinh đối với khoản nợ này từ ngày 1-1-2016 (thời điểm xác nhận nghĩa vụ của NSNN đối với quỹ theo Nghị quyết 1083 của Ủy ban Thường vụ QH).

Phát biểu về vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị dứt khoát phải tính cả gốc, lẫn lãi với khoản tiền 22.090 tỉ đồng và phải tính lãi từ năm 2006 (khi Luật BHXH có hiệu lực cho đến nay). Ông cũng đồng ý với việc chuyển trả tiền theo lộ trình mà Chính phủ đưa ra.

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bày tỏ đồng ý với việc tính lãi từ khi có Nghị quyết 1083 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ QH "và Chính phủ sẽ nhận nợ chính thức theo như tờ trình" - ĐB Sinh nói.

Bấm nút xin tranh luận với ĐB Đỗ Văn Sinh, ĐB Lưu Bình Nhưỡng không đồng tình với việc chỉ tính lãi từ khi có Nghị quyết 1083.

"Tôi cho rằng phương án khoanh nợ là phương án nhân văn. Chính phủ nhiệm kỳ này không trả được thì chính phủ của nhiệm kỳ sau trả, như thế tốt hơn việc chúng ta bỏ qua đi, không nên lờ đi khoản này. Chúng ta phải rất sòng phẳng với NLĐ, sòng phẳng về mặt pháp lý" - ông Nhưỡng bày tỏ. 

Tranh cãi nảy lửa về vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương

Tại phiên thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội, nhắc đến vụ việc tòa án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương vì liên quan đến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ĐB Bùi Sỹ Lợi tâm tư:

"Qua vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi rất băn khoăn, kết tội thế này rất ảnh hưởng tới nền y tế. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội".

Ngay sau phát biểu của ĐB Bùi Sỹ Lợi, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã bấm nút đăng ký phát biểu và cho rằng mọi phát ngôn của ĐBQH về việc bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội hay có tội đều là cảm tính.

Bởi lẽ, tòa án đang trong quá trình luận tội, chưa có bất cứ phán quyết nào cả! "Những phát biểu bên lề có thể không đem lại sự thuận lợi, đúng đắn, tạo sức ép không cần thiết với tòa án" - ông Sinh nhận xét.

Giơ biển tranh luận lại ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nhấn mạnh ĐB và cử tri quan tâm đến sự minh bạch, khách quan, công tâm trong xét xử vụ án bác sĩ Lương.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng các phát biểu của ĐBQH là thể hiện quyền của người ĐB nhân dân. Bà khẳng định: "Ở đây, không phải định hướng cho tòa. Thông qua nghị trường và báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình".

Bà Lan dẫn chứng đã có những tiền lệ về việc nhờ các phát ngôn, các ý kiến của ĐB, của xã hội mà vụ án đã được tòa cấp cao xử lại, như vụ VN Pharma.

Tất cả những gì chúng ta làm đều có thể dẫn đến hậu quả lớn với ngành, với nhân viên y tế. Chúng tôi muốn đánh giá đúng người đúng tội, bảo vệ lẽ phải, sự thật, bảo vệ cho nhân viên của mình" - ĐB Lan bày tỏ. 

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh