Lò nóng lắm rồi, đừng thêm củi vào lò khi đặc khu ra đời

03:05, 23/05/2018

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) ngày 23/5 cho rằng chỉ nên thí điểm 1 đặc khu kinh tế để rút kinh nghiệm, không nên làm hàng loạt vì "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời".

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) ngày 23/5 cho rằng chỉ nên thí điểm 1 đặc khu kinh tế để rút kinh nghiệm, không nên làm hàng loạt vì “Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời".

Sáng 23/5, sau khi nghe báo cáo dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu nhiều ý kiến về rà soát và giảm quyền lợi riêng đối với các đơn vị đặc biệt này.

Giảm quyền của chủ tịch đặc khu

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng dự luật cần làm rõ loại hình kinh doanh nào đủ sức cạnh tranh, loại nào không, điểm khác biệt nào của khu kinh tế hành chính đặc biệt so với khu kinh tế khác? Đồng thời, xem xét các điều khoản trong điều luật này để tạo sự khác biệt?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng nên tăng quyền cho phó chủ tịch đặc khu và các ban ngành chuyên môn - Ảnh: Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng nên tăng quyền cho phó chủ tịch đặc khu và các ban ngành chuyên môn - Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, ông Phương đồng tình với việc trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần có tổ chức HĐND để thực hiện giám sát bởi quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình mới hoặc thường xuất hiện điểm nóng thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực, tránh tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

"Với đơn vị này, nếu có sai phạm rất khó điều chỉnh vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới" - vị đại biểu tỉnh Quảng Bình nhìn nhận.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng lưu ý cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt các quy định giao quyền cho chủ tịch, tăng giao quyền cho UBND để UBND uỷ quyền trách nhiệm cho phó chủ tịch và các ban ngành chuyên môn.

"Theo dự thảo, nhiều nội dung chủ tịch ký như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp đổi thu hồi giấy phép thành lập hoạt động các chi nhánh văn phòng đại diện…

Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Theo dự thảo này thì vị trí chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm. Một trăm việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm" - ông Phương bày tỏ.

Cũng góp ý về quyền của chủ tịch đặc khu, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), cho hay dự thảo quy định chủ tịch đặc khu được quyết định đầu tư các dự án nhóm A.

Tuy nhiên, theo điều 8 của Luật Đầu tư công, dự án nhóm A có vai trò hết sức quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng. Vì vậy, nên cân nhắc việc chủ tịch đặc khu quyết định dự án nhóm A, nhất là các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước.

Bỏ quy định miễn giảm thuế

Về ưu đãi thuế, theo quan điểm của ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, có nhiều vấn đề cần cân nhắc lại.

Bà Mai phân tích: Theo báo cáo của tổ chức Oxfam thì chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả tích cực. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 85% nhà đầu tư khi được phỏng vấn đều cho rằng thuế chưa phải là vấn đề quan trọng. Hiện, quốc tế cũng không đặt vấn đề thuế là vấn đề tiên quyết.

Từ đó, bà Mai đề nghị rà soát chính sách thuế để đảm bảo tính khả thi trong khi nguồn lực thực hiện có hạn.

"Đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dịch vụ đặc biệt như kinh doanh casino, đặt cược, trò chơi điện tử…

Không phải mức giảm ít hay nhiều mà bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là gánh trên mình nhiệm vụ điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng, chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới không áp dụng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt. Để phù hợp thông lệ quốc tế, nên bỏ quy định miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt" - bà Mai nêu ý kiến.

Tương tự, với thuế thu thập cá nhân, bà Mai cho rằng việc khuyến khích là cần thiết. Tuy nhiên, đặt ra vấn đề miễn thuế thu nhập cá nhân cũng là chưa phù hợp vì "bản chất của thuế thu nhập cá nhân là có thu nhập thì phải chịu thuế".

Do đó, bà hướng theo phương án giảm 50% thuế với các nhà quản lý, chuyên gia trình độ chuyên môn cao…

Góp ý vào vấn đề quản lý sử đụng đất đai, theo đại biểu Mai, dự thảo quy định chủ tịch UBND có quyền thu hồi đất. Nhưng thực tế thời gian qua, xảy ra vấn đề khiếu kiện kéo dài. Do đó, dự thảo luật cần quy định rõ đi đôi với quyền lực cá nhân của chủ tịch thì cần làm rõ cơ chế đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi.

Chỉ nên thí điểm 1 đặc khu, không nên làm hàng loạt

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) góp ý sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước… chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách. Trong đó, theo đề án xây dựng 3 đặc khu, cần khoản đầu tư 1,5 triệu tỉ đồng. "Toàn bộ bộ máy hành chính phải di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm ngàn dân.

Tất cả đều phục vụ cho nhà đầu tư khu vực này. Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa, tất cả khoản đầu tư này cho ai, đem lại lợi ích gì? Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được, mất gì về văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng?" – ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Về thời hạn giao đất đến 99 năm, ông Nghĩa yêu cầu cần loại bỏ bởi không có vòng đời dự án đầu tư nào hiện nay có thời hạn dài đến thế.

"Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải thu hồi đất. Thời gian dài ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà chỉ những nước nghèo đói hoang sơ cần đến" – ông Nghĩa chỉ rõ.

Theo ông, quan điểm đề án cho rằng khi dành nhiều ưu đãi sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền thì chỉ đúng một nửa. Bởi, có những quốc gia chỉ cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác.

Họ di dân tới, tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng. "Đã có ví dụ nhãn tiền, nên luật phải thiết kế chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không phải mời cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài" – đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng trong lộ trình thành lập các đặc khu, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, không nên làm đồng loạt. "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời" – ông nói.

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh